Buổi tọa đàm nhằm lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các viện, trường và các trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học trên địa bàn Thành phố về dự thảo Chương trình hành động của Thành uỷ triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Đồng thời, trao đổi, thảo luận các giải pháp, nhiệm vụ, hành động, phương thức phối hợp, phương án huy động nguồn lực, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Sáng ngày 17/03/2023, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức “Tọa đàm góp ý dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”. Chủ trì Hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, cùng tham dự còn có đại diện các phòng ban chuyên môn thuộc Sở và các chuyên gia, nhà khoa học đại diện các viện, trường và trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học trên địa bàn Thành phố.
Tại tọa đàm, các đại biểu đánh giá, thời gian vừa qua Thành phố Hồ Chí Minh đã ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng các công nghệ sinh học hiện đại và đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc chọn tạo các loại giống cây trồng là hướng nghiên cứu được đẩy mạnh ở Thành phố. Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp công nghệ cao cùng một số đơn vị nghiên cứu đã chọn tạo được nhiều giống cây trồng mới như: lan, dưa lưới, dưa leo, cà chua bi, cà chua, khổ qua, ớt cay...
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng các quy trình nhân giống và canh tác rau, hoa kiểng và dược liệu. Ngoài ra, nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật và công nghệ nano trong trồng trọt đã tạo ra được nhiều chế phẩm sinh học có tính ứng dụng thực tiễn cao. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống, quy trình nuôi dưỡng, điều trị - phòng bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi cũng có nhiều bước tiến vượt bậc.
Trong lĩnh vực thủy sản, Thành phố tập trung nghiên cứu tạo giống cá cảnh quý hiếm, có giá trị; kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm; phòng chống bệnh thủy sản. Ứng dụng vi sinh vật để xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp, chất thải rắn hữu cơ, xử lý ô nhiễm môi trường, cải tạo đất nông nghiệp
Trong lĩnh vực y dược, một số hoạt chất từ thực vật, cây thuốc hướng đến phát triển các chế phẩm ứng dụng trong điều trị bệnh bước đầu đã được triển khai hiệu quả trong sản xuất và thương mại như: Curcumin từ nghệ, EGCG từ trà xanh; Vincristin, Vinblastin, Navelbin làm thuốc chống ung thư; Alfuzosin làm thuốc điều trị u xơ tuyến tiền liệt...
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ sinh học đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Toàn Thành phố hiện có 134 phòng thí nghiệm phân tích chất lượng sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, môi trường… từ các viện, trường và các trung tâm phân tích được Sở Khoa học Công nghệ Thành phố quản lý.
Đóng góp vào Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Với lợi thế của mình, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung phát triển, phấn đấu đưa Thành phố trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, dẫn đầu cả nước và vươn tầm thế giới về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Cùng với đó, Thành phố cần tiếp tục, đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng chính sách phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần chú trọng hơn việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học theo hướng hiện đại.
Nhật Linh (CESTI)
Nguồn: https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/xay-dung-thanh-pho-ho-chi-minh-co-nen-cong-nghe-sinh-hoc-phat-trien-ngang-tam-the-gioi-3561a38a-e2a5-4a9b-abd6-28306d8ec685