Nhiều thông tin, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu liên quan đến việc tìm kiếm và xây dựng mô hình “đại học khởi nghiệp” được các chuyên gia chia sẻ, đề xuất tại hội thảo “Đại học khởi nghiệp - Mô hình và giải pháp”.
Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM tổ chức ngày 04/11/2022 nhằm chia sẻ những thông tin liên quan đến vai trò của trường đại học trong hoạt động ĐMST (đổi mới sáng tạo) và kinh nghiệm xây dựng mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong trường đại học; phổ biến, giới thiệu bộ tiêu chuẩn các chỉ số đánh giá vườn ươm theo mô hình quốc tế.
Trình bày tham luận “Đại học khởi nghiệp trong hoạt động đào tạo, sáng tạo và kiến tạo”, TS. Nguyễn Anh Tuấn (Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM) cho biết, đại học khởi nghiệp không phải là một thuật ngữ hoàn toàn mới, tuy nhiên khái niệm khởi nghiệp đối với tổ chức trường đại học có thể được luận giải với nhiều lăng kính, hướng tiếp cận và quan điểm khác nhau. Thông qua kinh nghiệm thực tiễn trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ hướng tiếp cận mô hình đại học khởi nghiệp ở 3 góc độ gồm quá trình đào tạo ứng dụng chuyển đổi số nhằm hiện đại hóa mô hình đào tạo; những hoạt động sáng tạo trong nghiên cứu, phương pháp đào tạo và học tập; thúc đẩy tư duy và kỹ năng kiến tạo giá trị mới cho cộng đồng, xã hội.
Về ứng dụng chuyển đổi số, thống kê gần đây cho thấy, hơn 32% trường đại học trên thế giới đang triển khai chiến lược chuyển đổi số và 38% cơ sở giáo dục đại học khác đang đẩy mạnh nghiên cứu khám phá về chuyển đổi số, 13% đang tham gia, chỉ 17% không có thời gian cho vấn đề này. Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng chuyển đổi số có khả năng tạo ra các mô hình giáo dục mới, đồng thời chuyển đổi định hướng chiến lược và giá trị phát triển của một tổ chức giáo dục. Với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ, người dạy thực hiện vai trò hướng dẫn, truyền tải, kết nối người học với nguồn dữ liệu, học liệu. Việc sử dụng các ứng dụng hỗ trợ học tập, các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối Internet vạn vật (IoT), máy học (Learning machine) ngày càng trở nên phổ biến, tạo nên sự chuyển đổi mạnh mẽ và những giá trị đột phá trong công tác giảng dạy, nghiên cứu.
Về hoạt động sáng tạo trong nghiên cứu, TS. Nguyễn Anh Tuấn đề xuất mô hình “ba nhà” trong phát triển khu đô thị đại học, đô thị sáng tạo Thành phố Thủ Đức. Với mô hình “ba nhà”, việc gắn kết khối viện/trường, doanh nghiệp và chính phủ (cơ quan quản lý nhà nước) đòi hỏi sự chủ động từ 3 bên. Trong đó, vai trò nghiên cứu của trường đại học gắn với các trung tâm sản xuất, công nghệ, tạo môi trường thử nghiệm và ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn. Lấy ví dụ điển hình từ Đại học Kiến trúc TP.HCM có thể thấy, một số nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới như ứng dụng các thiết bị bay thông thường vào lĩnh vực đánh giá, phân tích hiện trạng trong quy hoạch (thuộc dự án tài trợ phát triển chuyển đổi số cho các tư liệu nghiên cứu – học tập của tổ chức giáo dục TOPICA); nghiên cứu khả năng chuyển đổi năng lượng xanh, thân thiện với môi trường trong lĩnh vực giao thông tại Việt Nam (thuộc dự án CASE của Tổ chức GIZ, do Chính phủ Đức tài trợ);… Đây có thể xem là những hướng đi sáng tạo trong nghiên cứu và ứng dụng các kết quả vào thực tiễn.
TS. Nguyễn Anh Tuấn (Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM) trình bày tại hội thảo
Tuy nhiên, để hoạt động ĐMST ngày một hiệu quả, cần bổ sung các văn bản, quy định dưới luật, nhất là đối với mô hình Spin-off (mô hình thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ) phổ biến trong các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu nhằm mục đích khai thác, tối đa hóa lợi ích kinh tế của những tri thức tạo ra.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp, TS. Đỗ Xuân Hồng (Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho rằng, ở Việt Nam, câu chuyện xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp có thể tiếp cận từ mô hình đại học thế hệ thứ ba. Các mô hình ở thế hệ thứ ba sẽ giúp các trường đại học thực hiện sứ mệnh mới: trực tiếp tạo ra tác động cho xã hội thông qua đổi mới sáng tạo và chuyển giao khoa học công nghệ. Để thực hiện tốt “sứ mệnh thứ ba” (chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để tạo ra tác động kinh tế - xã hội), các trường đại học cần phải xây dựng được mô hình hoạt động với một chuỗi các hoạt động mang tính hệ thống có khả năng dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu hướng tới thương mại hóa.
Để xây dựng được mô hình đại học khởi nghiệp, các trường đại học cần xác định rõ các nguyên lý nền tảng để tạo ra sự khác biệt khi so sánh với mô hình đại học truyền thống. Đặc trưng mang tính nền tảng của mô hình đại học khởi nghiệp là trình độ nghiên cứu tốt của các khoa chuyên môn, phòng thí nghiệm, và các viện, trung tâm nghiên cứu. Đây là các công xưởng chính tạo ra các phát minh, sáng chế, giải pháp công nghệ, cũng như các mô hình, ý tưởng kinh doanh dựa vào các sản phẩm khoa học công nghệ này. Việc thương mại hóa các phát minh, sáng chế sẽ được hỗ trợ, xúc tiến bởi các văn phòng chuyển giao công nghệ hoặc các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ. Thông qua các hoạt động của các đơn vị chức năng này, kết quả nghiên cứu có thể được thương mại hóa trực tiếp (thông qua hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ), hoặc gián tiếp (thông qua việc hình thành các doanh nghiệp spin-offs hoặc startups). Trong quá trình hoạt động của mình, các trường đại học khởi nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ, hợp tác và tài trợ từ khối doanh nghiệp (bao gồm những doanh nghiệp sản xuất, thương mại, quỹ đầu tư cũng như các đơn vị tư vấn, các dịch vụ hỗ trợ tư nhân) để hoàn thành sứ mệnh thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Đồng thời nhận được những chính sách hỗ trợ từ chính phủ và các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước.
TS. Đỗ Xuân Hồng (Đại học Nông Lâm TP.HCM) trình bày tại hội thảo
Chia sẻ kinh nghiệm của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, TS. Đỗ Xuân Hồng cho biết, nhà trường đã triển khai rất sớm các hoạt động nhằm xây dựng nền tảng cho các mô hình đại học nghiên cứu, đại học khởi nghiệp. Trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng số lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên khoảng 290 đề tài và của sinh viên là 248 đề tài. Từ năm 2018, trường cũng triển khai cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp thu hút hơn 200 dự án khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu; triển khai hàng loạt hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ĐMST trong giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên thông qua hai đơn vị chuyên trách là Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ. Đồng thời xây dựng định hướng mới cho đầu tư về khởi nghiệp ĐMST với sự ra đời của chuỗi các hoạt động học thuật – khoa học – khởi nghiệp thường niên, thu hút hàng trăm dự án khởi nghiệp và hàng nghìn lượt sinh viên tham gia hàng năm. Chuỗi hoạt động này đã góp phần xây dựng được thương hiệu với sự đồng hành của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST, các doanh nghiệp, tập đoàn cũng như các quỹ đầu tư, nhà đầu tư có quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh.
Kết quả mang lại là sự hình thành của nhiều sản phẩm, doanh nghiệp được thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu của tập thể giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên như các sản phẩm nông sản sấy mang thương hiệu Nonglamfood (thông qua Công ty TNHH Lê Trung Thiên), sản phẩm trà Kombucha (Mantra), các sản phẩm nấm linh chi, đông trùng hạ thảo,…
Chia sẻ quan điểm tại hội thảo, ông Đặng Đức Thành (Chủ tịch Tập đoàn Green+, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế) cho biết, hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng gần 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, trong đó TP.HCM có khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cũng như thúc đẩy phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam cũng cần phải đi theo xu hướng chung, đó là trở thành đại học khởi nghiệp và tập trung vào 2 chức năng đào tạo: tinh thần khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp. Đặc biệt, cần nhấn mạnh việc đào tạo, giảng dạy trong phòng thí nghiệm, chú trọng đào tạo ứng dụng và gắn kết với các công ty công nghệ, các doanh nghiệp.
Ông Đặng Đức Thành (Chủ tịch Tập đoàn Green+, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế) trình bày tại hội thảo
Đại học khởi nghiệp có thể hiểu là trường đào tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, là nơi các sinh viên học tập lý thuyết và thực hành khởi nghiệp ĐMST, thành lập và tổ chức phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Đặc biệt, theo ông Đặng Đức Thành, trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cần phải được tăng tốc phát triển. Qua thực tiễn thế giới đã chứng minh, ngày nay doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có thể tạo ra doanh số “khủng” và lợi nhuận rất cao. Do đó, cần có định hướng phát triển đại học khởi nghiệp ở Việt Nam và làm rõ hiệu quả của các mô hình đại học khởi nghiệp ở TP.HCM để tăng tốc phát triển đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững cho đất nước.
Trình bày tham luận “Mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM”, PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi đã phân tích một số thông tin về động lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và trường đại học khởi nghiệp; các tiêu chuẩn đánh giá trường đại học khởi nghiệp. Qua đó đưa ra nhận định, “trường đại học khởi nghiệp” đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh và chỉ số ĐMST toàn cầu của quốc gia. Đồng thời, mô hình “trường đại học khởi nghiệp” là xu thế phát triển của các trường đại học có năng lực, tiềm lực, tự chủ và năng động. Việc triển khai trường đại học khởi nghiệp dù theo mô hình nào cũng cần có lộ trình, sự quan tâm của cấp lãnh đạo, sự đồng lòng của cả hệ thống và phản hồi từ cộng đồng, xã hội.
Tại hội thảo, bà Phan Thị Quý Trúc (đại diện Sở KH&CN TP.HCM) cũng giới thiệu, phổ biến bộ tiêu chuẩn các chỉ số đánh giá vườn ươm theo mô hình quốc tế; ông Tero Blomqvist (Tổng Giám đốc Kaira Clan và Giám đốc An ninh mạng, IoT và Thành phố thông minh Tampere – Phần Lan) trình bày tham luận về Xây dựng các trung tâm ĐMST trong trường đại học.
Lam Vân (CESTI)
Nguồn: https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/tphcm-thuc-day-phat-trien-mo-hinh-dai-hoc-khoi-nghiep-8c4e4886-29c7-4b46-ae51-cc992e86f2da