Từ ngày 5-9/12/2022, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM (SMEQ) tổ chức khóa đào tạo “Xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” dành cho các cán bộ, nhân viên, công chức, viên chức làm việc tại các đơn vị, tổ chức, sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn TP.Thủ Đức và các quận, huyện của TP.HCM có liên quan đến hoạt động đo lường.
Khóa đào tạo được tổ chức nhằm tư vấn, huấn luyện và hỗ trợ triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là một nội dung nằm trong các nhiệm vụ được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM giao Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và SMEQ triển khai thực hiện.
Khóa đào tạo gồm các chuyên đề về vai trò hoạt động đo lường trong doanh nghiệp và hiện trạng đo lường tại Việt Nam; tổng quan về Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 996); hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khóa đào tạo “Xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” được tổ chức tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM (SMEQ)
Theo đó, Đề án 996 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) làm đầu mối, chủ trì triển khai thực hiện. Một trong những mục tiêu chung của Đề án là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp.
Chương trình đảm bảo đo lường có mục tiêu chung là tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường tại doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập. Chương trình cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể như chỉ tiêu định lượng về tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ; mức độ tăng cường kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, thử nghiệm, kiểm tra; phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra; kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; mức độ tăng cường kiểm soát phát thải ra môi trường; đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; mức độ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm, hàng hóa toàn cầu.
Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp tập trung các nhiệm vụ chính gồm: rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản triển khai thực hiện đảm bảo đo lường đang áp dụng; rà soát, tăng cường thực hiện đảm bảo đo lường; ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến, đổi mới tăng cường để phát triển sản xuất, kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật và quản lý về đo lường cho nhân viên quản lý, nhân viên kỹ thuật của doanh nghiệp; xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng của các đơn vị, bộ phận sản xuất, chế tạo, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, sửa chữa;…
Cấu trúc của chương trình đảm bảo đo lường triển khai tại doanh nghiệp gồm có tên chương trình, thời gian thực hiện chương trình, mục tiêu của chương trình, các nhiệm vụ chính của chương trình, giải pháp thực hiện, kinh phí thực hiện chương trình và tổ chức thực hiện.
Các học viên tham dự khóa đào tạo
Tùy vào thực tế và nhu cầu phát triển, doanh nghiệp có thể lựa chọn mục tiêu cụ thể, lựa chọn các nhiệm vụ phù hợp để xây dựng và triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời, tùy thuộc vào nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện và tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, cấu trúc của chương trình có thể đầy đủ hoặc chỉ có một số thành phần trên. Trong đó, thời gian thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp được xác định cho một giai đoạn (ít nhất là 1 năm) để bảo đảm thực hiện được mục tiêu của chương trình.
Trong khóa đào tạo, các học viên cũng được hướng dẫn cụ thể về trình tự xây dựng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, gồm các bước phân tích thực trạng đảm bảo đo lường; dự kiến hiệu quả; xác định mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp cho từng năm, từng giai đoạn; xây dựng dự thảo thuyết minh và dự thảo chương trình; lấy ý kiến các đơn vị, cá nhân dự kiến được phân công thực hiện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; hoàn thiện, phê duyệt chương trình. Doanh nghiệp có thể lựa chọn thực hiện một số hoặc toàn bộ các bước này khi xây dựng chương trình.
Được biết, thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án 996, ngày 21/2/2022, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ra Quyết định số 520/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Kế hoạch 996). UBND Thành phố cũng giao Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các sở ban ngành, cùng các đơn vị trực thuộc phối hợp thực hiện triển khai kế hoạch này.
Để thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành Kế hoạch số 880/KH-SKHCN ngày 06/4/2022 “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập quốc tế năm 2022” và giao Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, SMEQ thực hiện các nhiệm vụ chính gồm phát triển hạ tầng đo lường của Thành phố; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; truyền thông về hoạt động đo lường. Trong đó có các nội dung tổ chức bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho cán bộ tham gia hoạt động đo lường và doanh nghiệp; huấn luyện và tư vấn doanh nghiệp triển khai áp dụng chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ; truyền thông về vai trò của đo lường trong đời sống xã hội và trong công nghiệp cũng như nội dung chương trình đảm bảo đo lường; tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, diễn đàn về đo lường và vai trò của đo lường trong doanh nghiệp;…
Đại diện SMEQ cho biết, thông qua các nội dung nhiệm vụ này, Kế hoạch 996 nhấn mạnh đến vai trò của đo lường trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong đời sống của người dân. Đồng thời hướng đến với mục tiêu đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc nâng cao và bổ sung kiến thức về đo lường, từ đó khẳng định vị thế trong sản xuất - kinh doanh. Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trong năm 2022, SMEQ đã tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện nhằm bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho cán bộ tham gia hoạt động đo lường tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, qua đó góp phần thực hiện các nội dung nhiệm vụ trên.
Ngoài khóa đào tạo “Xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”, trong năm 2022 SMEQ đã tổ chức các khóa huấn luyện như Kiến thức cơ bản về đo lường học, quản lý nhà nước về đo lường; Kiểm tra nhà nước về đo lường; Hướng dẫn kiểm tra phép đo khối lượng trong thương mại bán lẻ theo Thông tư 09/2017/TT-BKHCN. Các hoạt động này cũng góp phần thực hiện mục tiêu của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đề ra trong năm 2022 là đẩy mạnh công tác truyền thông về vai trò của đo lường trong đời sống xã hội và nhu cầu đổi mới hoạt động đo lường tại doanh nghiệp; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho 200 doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho trên 240 lượt cán bộ tham gia hoạt động đo lường.
Lam Vân (CESTI)
Nguồn: https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/tphcm-huong-dan-ho-tro-doanh-nghiep-trien-khai-chuong-trinh-dam-bao-do-luong-da038518-add6-4673-add6-48a1b6d896c0