Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức tọa đàm “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa và can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên”. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đưa ra những nguy cơ tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên đồng thời thảo luận, kiến nghị các phương án can thiệp cần có để hỗ trợ.
Nguy cơ tự sát ở Trẻ em và Thanh thiếu niên đáng lo ngại
Hành vi tự sát và ảnh hưởng của gia đình đến hành vi tự sát ở thanh thiếu niên là một vấn đề nhận được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia tâm lý với nhiều cách tiếp cận khác nhau tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN tổng quan về hành vi tự sát và tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên: “Mỗi năm trên thế giới có khoảng 41.000 người tự tử, cứ 40 giây lại có một người chết do tự tử. Năm 2004, tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng đến năm 2014 là nguyên nhân thứ 2. Tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi tự tử ngày càng gia tăng ở mức báo động. Tại Việt Nam, thực trạng tự tử ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng. Năm 2019 chiếm 7,5% dân số. Thậm chí con số trên thực tế có thể nhiều hơn so với số liệu thống kê”.
Buổi toạ đàm “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa và can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên” - Ảnh: Nguyễn Hằng
Cũng theo ý kiến của PGS.TS Trần Thành Nam, ý tưởng tự tử thường xuất hiện thoáng qua trong suy nghĩ của cá nhân rơi vào vô vọng, bế tắc trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn. Đồng thời, ý tưởng tự tử thôi thúc, dẫn đến xung động tự tử, cá nhân sẽ thực hiện hành vi tự sát ngay sau đó với tỷ lệ tử vong cao.
Về cá nhân, nguy cơ tự sát được xác định là do thất bại trong chuyện tình cảm, rồi các vấn đề ở trường từ việc bị bắt nạt, trêu chọc đến việc bị điểm kém, đặc biệt bạo lực học đường. Tiếp cận nhiều với truyện tranh, phim ảnh… thông qua các phương tiện hiện đại, như có những nhóm xuất hiện trên mạng xã hội chỉ để chỉ cách làm thế nào tự sát thành công.
Sinh viên và học viên tham dự tọa đàm “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa và can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên” - Ảnh: Kim Uyên
Nói về cách tiếp cận trong y khoa trong vấn đề trẻ tự sát, ThS-BS CK1 Giang Ngọc Thụy Vy cho biết: "Chúng ta hạn chế việc đổ lỗi cho người có hành động tự sát và tránh an ủi sai lầm. Đây không phải là cách đồng cảm với họ. Chúng ta có thể đồng cảm với những khó khăn mà họ gặp phải chứ không phải đồng cảm với việc họ chọn lựa một hành vi không lành mạnh. Khi điều trị tại bệnh viện đa khoa, việc mời các chuyên gia hội chẩn cũng có thể tiến hành trong trường hợp cần thiết".
Gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay can thiệp và đưa ra giải pháp
Khi lý giải hay thực hành can thiệp, hỗ trợ cho thanh thiếu niên có ý tưởng tự sát, chúng ta cần thận trọng và cân nhắc đến những yếu tố liên quan đến gia đình, nhà trường và xã hội. Việc phòng ngừa tự sát phải được xây dựng từ trong những yếu tố đó. Đến khi có những vấn đề thì vẫn có một lực lượng để can thiệp, không chỉ là can thiệp ở bệnh viện, phòng khám mà còn là những nơi khác, những đường dây hỗ trợ cho vấn đề khủng hoảng tự sát cho trẻ em và thanh thiếu niên.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng, khoa Công tác xã hội, trường ĐH KHXH&NV chia sẻ: “Về tác động của các yếu tố xã hội đến hành vi tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên, có nhiều yếu tố nguy cơ đối với hành vi tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên, chẳng hạn như các kiểu hình rối loạn tâm thần và rối loạn thể chất ảnh hưởng tới não, tiền sử gia đình, các yếu tố tâm lý xã hội và các nhân tố môi trường. Trong đó, có các yếu tố xã hội như cá nhân, gia đình, trường học và cộng đồng xã hội”.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng cho rằng vấn đề tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng nghiêm trọng - Ảnh: Nguyễn Hằng
Cũng trong khuôn khổ toạ đàm, ThS.BSCKI. Giang Ngọc Thụy Vy, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM chia sẻ về giải pháp để đối phó với sức khỏe tinh thần ở trẻ vị thành niên: “Cần tăng cường nguồn nhân lực ở tất cả các cấp, đặc biệt là đội ngũ tư vấn viên, bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội cơ sở để đối phó với các vấn đề sức khỏe tinh thần dưới mức nặng ở các trường học và các trung tâm Bảo trợ xã hội.”
Một số giải pháp hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên có hành vi tự gây tổn thương được các chuyên gia đưa ra thảo luận trong buổi toạ đàm, chẳng hạn như huấn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc có thể dẫn đến việc thực hiện hành vi tự gây tổn thương; huấn luyện kỹ năng chấp nhận bản thân để cởi mở với những trải nghiệm khó chịu; hướng dẫn kỹ năng ứng phó giải quyết vấn đề cuộc sống một cách hiệu quả; cung cấp môi trường an toàn và nuôi dưỡng khả năng phục hồi; loại bỏ định kiến của cha mẹ, thầy cô, bạn bè về người có hành vi tự gây tổn thương…
KIM UYÊN
Nguồn: https://hcmussh.edu.vn/tin-tuc/tiep-can-da-nganh-trong-nghien-cuu-tu-sat-o-tre-em