Bắt đầu từ 8h sáng ngày 29-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bước vào hội trường chật kín người tại Trung tâm hội nghị tỉnh Sơn La. Ông vẫy tay chào và đáp lại là tràng vỗ tay của hơn 500 đại biểu là nông dân tại các huyện, thị xã, TP Sơn La.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc đối thoại tỉnh Sơn La.
Những vấn đề sát sườn mà nông dân rất quan tâm
Khai mạc cuộc đối thoại vừa trực tiếp tại TP Sơn La, vừa truyền đi 63 tỉnh, TP, Chủ tịch Trung ương hội nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nêu rõ, năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, song ngành nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả vượt bậc với tốc độ tăng trưởng đạt 2,98%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD. Ngay trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng tới 15,6% so với cùng kỳ. Đóng góp vào sự tăng trưởng đó, có công lao rất lớn của những người nông dân trên cả nước và của những người nông dân tiêu biểu đã trực tiếp tham dự cuộc đối thoại lần này.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, tính đến trước thời điểm diễn ra Hội nghị, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi là những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Điều đó thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại vì một tầm nhìn đưa nông nghiệp Việt Nam nằm trong những nước dẫn đầu của thế giới.
Theo tổng hợp, các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của bà con nông dân với Thủ tướng Chính phủ tập trung vào 8 nhóm vấn đề chính như sau: Nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...), ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Nông dân mong muốn Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo nhằm bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Về vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định nhằm sản xuất hiệu quả. Đây là nhóm vấn đề lớn và rất được nông dân tất cả các tỉnh, thành hầu hết đều chú ý. Bên cạnh đó, là tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương, nhất là các tỉnh gắn sát các khu đô thị lớn, các khu vực khu công nghiệp.
Nhóm câu hỏi về thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp, cũng là vấn đề mới và qua Hội nghị TW 5 vừa rồi, bà con nông dân đã rất đồng lòng, khi muốn hợp tác phát triển, thì chuỗi liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp, rất được chú trọng.
Nhóm câu hỏi về vốn, tín dụng: Trong thời gian qua các ngân hàng thương mại đã tích cực giải ngân, bố trí nguồn vốn cho tam nông. Song theo phản ánh của nhiều nông dân, việc tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các sản phảm trái cây tại TP Sơn La
Nhóm câu hỏi về môi trường ở nông thôn: Nông dân phản ánh, hiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng nhức nhối, mong muốn Thủ tướng có giải pháp chỉ đạo để đảm bảo môi trường nông thôn được xanh, sạch.
Nhóm câu hỏi về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh; thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhóm câu hỏi về vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố thành công nhân và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương…mà hiện nay, hầu như tỉnh, thành nào cũng đang có tình hình này xảy ra, và những nhóm vấn đề liên quan khác trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiện nay tại các tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề liên quan đến Nông dân
Trong bài phát biểu mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia sẻ và sự cảm thông sâu sắc của Chính phủ với bà con nông dân nói riêng và nhân dân cả nước nói chung hai năm qua phải gồng mình chống Covid-19. Người đứng đầu Chính phủ muốn cuộc đối thoại dựa trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, chân thành, tin cậy và trách nhiệm để xử lý vấn đề.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng chia sẻ: “Qua ba cuộc đối thoại trước đây, chúng ta xem những gì đã làm tốt, cái gì chưa làm tốt thì cần rút kinh nghiệm. Đối thoại phải mang lại gì mới, hiệu quả thiết thực”.
Trong 8 thông điệp của bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần việc phải xây dựng nền kinh tế tự chủ, đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hiệu quả để cùng ngành nông nghiệp và nông dân giải quyết những khó khăn hiện hữu; phải đổi mới công nghệ, lấy khoa học công nghiệp làm động lực cho sự phát triển; đa dạng hoá các chuỗi cung ứng, không phụ thuộc một thị trường, không phụ thuộc một loại sản phẩm.
Tại mỗi câu hỏi của nông dân theo từng nhóm, Thủ tướng Chính phủ đã phân tích, làm rõ từng vấn đề như các chính sách, chủ trương của TW về nông nghiệp-nông thôn-nông dân và những vấn đề cần tháo gỡ, kể cả có mặt một số bộ trưởng, trưởng đầu ngành liên quan đến nông dân của cả nước, cùng những chính sách sẽ được cập nhật làm cho đời sống người nông dân sẽ được TW chia sẻ, mà điều cần nhất là tất cả các chủ trương này đều đã được Thủ tướng Chính phủ đã chia sẽ tại chỗ với người nông dân.
Như vậy, việc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân trực tiếp và trực tuyến của 63 tỉnh, thành phố là rất cần và rất hiệu quả. Có 4 vấn đề lớn mà cuộc đối thoại Thủ tướng Chính phủ với nông dân ngày 29-5 đặt ra, đó là:
Một là; Việc mở ra đối thoại lần 3 giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân trực tiếp và trực tuyến của 63 tỉnh, thành phố là điều rất cần, bởi nông dân là lực lượng hùng hậu của Đảng, của CM, đóng góp cao nhất trong thành quả CM của đất nước suốt gần 80 năm qua, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Hai là; Việc người đứng đầu Chính phủ, đã thay mặt cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ ở cấp cao nhất trực tiếp đã nghe nông dân nói và nói, trả lời trực tiếp cho nông dân cả nước nghe, là một chủ trương lớn, mà Đảng ta đã tuân thủ thực hiện từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TW Đảng làm theo tâm tư, nguyện vọng người nông dân; Đảng đã đi từ nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trong đó có trên 85% dân số là nông dân.
Ba là; Về mặt tâm lý của người nông dân, với những cảnh nông dân tất bật làm ăn, đã & đang có nhiều khó khăn không lường trước mà người nông dân hết sức cần thiết, để khi nghe người có trách nhiệm cao nhất của Chính phủ nói cùng nông dân, giải tỏa những tâm tư, nguyện vọng với người nông dân là vô cùng cần thiết, vô cùng có hiệu quả cả về tư tưởng lẫn thực tế cuộc CM cho nông dân-nông thôn, đang là chiến lược phát triển cao mà Đảng ta đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 và hướng đến năm 2030 trên đất nước ta, mà gần đây, chiến lược cuộc CM về phát triển nông nghiệp, hướng đến hàng chục năm sau, sẽ và đã tác động rất lớn đến về đời sống chính trị - xã hội của hàng chục triệu bà con nông dân cả nước.
Bốn là; tác dụng của cuộc đối thoại lần thứ 3 của người đứng đầu Chính phủ, đã thay mặt cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ trực tiếp nghe và trả lời thẳng thắn, đầy trách nhiệm, có nhiều ý nghĩ về những vấn đề mà người nông dân hết sức quan tâm trong 8 nhóm vấn đề Ban tổ chức cuộc đối thoại, đã tổng hợp, trình lên Thủ tướng Chính phủ, để Thủ tướng trả lời nông dân. Cuộc đối thoại này, vừa tác động đến việc điều chỉnh các chủ trương, chính sách còn chưa sát hợp nông dân, vừa là kênh thông tin hữu hiệu nhất, mà Thủ tướng Chính phủ đã trả lời rõ, gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm các nhóm vấn đề mà mỗi người nông dân đều cần và rất cần biết.
Thạc sĩ Phạm Bá Nhiễu
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo, Ứng dụng Tâm lý Kinh doanh và Giáo dục Học đường