Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới trong khảo sát đột biến gen ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng trẻ tuổi

Kinh doanh giáo dục
091 3815 684 - 0903837347
Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới trong khảo sát đột biến gen ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng trẻ tuổi
Ngày đăng: 01/08/2022 09:11 AM
Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Đại học Y Dược TP.HCM chủ trì thực hiện, TS. Nguyễn Hữu Thịnh làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu năm 2021.

Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hằng năm có khoảng 14 triệu bệnh nhân mắc ung thư và 8,8 triệu người chết vì ung thư trên toàn cầu, với tổng thiệt hại về kinh tế lên đến 1,16 ngàn tỷ trong năm 2010 (WHO). Con số bệnh nhân mới mắc ung thư được dự đoán sẽ gia tăng 70% trong vòng 2 thập kỷ tới. Ở Việt Nam, số lượng bệnh nhân mắc ung thư đang trên đà gia tăng từ 68.000 ca năm 2000 đến 126.000 ca năm 2010 và 190.000 ca năm 2020.

UTĐTT là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến thứ ba ở nam giới và thứ hai ở nữ giới. Tỷ lệ này ở nam giới cao hơn nữ giới trong hầu hết các nghiên cứu trên toàn cầu. Độ tuổi mắc bệnh của UTĐTT thường là tuổi trung niên và tuổi già, tần suất cao nhất trong độ tuổi 60 - 70 tuổi. Trong những năm gần đây, tần suất UTĐTT ở người trẻ tuổi đang có dấu hiệu tăng lên. Đối với người trẻ, UTĐTT thường được phát hiện ở giai đoạn muộn. Đa số bệnh nhân đến ở giai đoạn III/IV của bệnh so với nhóm bệnh nhân lớn tuổi và hầu hết (>80%) có triệu chứng khi được chẩn đoán.

Việt Nam là nước có tỉ lệ UTĐTT tương đối cao, đứng hàng thứ hai trong các bệnh lý ác tính đường tiêu hoá và là vấn đề lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Hiện nay ngoài việc chẩn đoán UTĐTT bằng tiêu chuẩn vàng là hình ảnh giải phẫu bệnh, chúng ta đã thực hiện thêm một số khảo sát như hoá mô miễn dịch, giải trình tự gen bằng kỹ thuật Sanger (P53, KRAS, NRAS, BRAF, PIK3CA) để phục vụ công tác nghiên cứu và chỉ định điều trị.

Tuy nhiên các khảo sát này chưa đánh giá được toàn diện đặc tính sinh học của tế bào ung thư, do hạn chế về độ nhạy và thời gian cũng như chi phí cao cần phải thực hiện cho từng gen đơn lẻ. Công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) chính là công cụ mạnh nhất hiện nay cho phép đi sâu tìm hiểu bản chất sinh học của các khối u. NGS là công nghệ giải trình tự gen tiên tiến, cho phép giải trình tự đồng thời hàng triệu phân mảnh DNA trong một phản ứng, vì vậy giúp giảm giá thành giải trình tự xuống đáng kể. NGS đã được sử dụng rất thành công trong việc mô tả thêm những đột biến gen gây nguy cơ cao của UTĐTT, nhất là trên nhóm bệnh nhân trẻ tuổi.

Với đề tài nêu trên, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân trẻ tuổi nhằm xây dựng quy trình kỹ thuật NGS cho nhóm gen thường bị đột biến trong UTĐTT; mô tả phổ đột biến sinh dưỡng và khảo sát mối tương quan của các đột biến gen với các đặc điểm lâm sàng, giải phẫu bệnh ở bệnh nhân UTĐTT trẻ tuổi. Đồng thời mô tả các đột biến mầm và khảo sát tình trạng mang gen đột biến ở người cùng huyết thống của bệnh nhân UTĐTT trẻ tuổi dựa trên các đột biến mầm đã được phát hiện, từ đó có thể tư vấn tầm soát phát hiện sớm ung thư.

14KQNCLVNGSUTDTTh1.jpg

Kết quả, đề tài đã chuẩn hóa và áp dụng thành công quy trình giải trình tự gen thế hệ mới với bảng 21 gen để chẩn đoán phân tử UTĐTT cho 101 bệnh nhân tham gia nghiên cứu. Quy trình được thực hiện với các mẫu chứng dương đảm bảo tính chính xác và sẵn sàng chuyển giao. Đồng thời xây dựng được quy trình tư vấn tầm soát UTĐTT dựa trên kết quả khảo sát đột biến gen.

Sử dụng quy trình kỹ thuật NGS và phân tích xác định đột biến 21 gen có liên quan ở bệnh nhân UTĐTT trẻ tuổi, nhóm nghiên cứu đã mô tả được phổ đột biến sinh dưỡng của UTĐTT ở người trẻ với các đặc điểm đặc trưng so với các nghiên cứu trên dân số UTĐTT nói chung:

+ Hầu hết các bệnh nhân UTĐTT trong nghiên cứu này có ít nhất 1 đột biến sinh dưỡng trong 21 gen được khảo sát.

+ Các bệnh nhân UTĐTT trẻ tuổi có tỉ lệ đột biến gen APC thấp hơn và đột biến các gen sửa sai cao hơn so với dân số chung bệnh nhân UTĐTT.

+ Đột biến gen APC thường xảy ra ở các bệnh nhân lớn tuổi và liên quan đến mức độ xâm lấn của khối u.

+ Đột biến gen TP53 cũng liên quan đến mức độ xâm lấn của khối u và có khuynh hướng xuất hiện ở các khối u giai đoạn muộn.

Nhóm tác giả cũng áp dụng kỹ thuật giải trình tự Sanger để xác định lại các đột biến dòng mầm từ các đột biến sinh dưỡng. Kết quả phát hiện 10 bệnh nhân có đột biến dòng mầm và 11 ca có mang các biến thể VUS liên quan đến UTĐTT. Trong số 10 bệnh nhân mang đột biến, chỉ định xét nghiệm di truyền chỉ cụ thể trong 2 trường hợp và với phương pháp phân tầng nguy cơ di truyền theo các hướng dẫn điều trị hiện tại thì có thể bỏ sót 8 bệnh nhân đột biến dòng mầm liên quan đến UTĐTT. Thân nhân của bệnh nhân có mang đột biến mầm đã được khảo sát để phát hiện tình trạng mang gen đột biến gây bệnh. Điều này góp phần quan trọng vào quá trình theo dõi, tư vấn di truyền cho cả bệnh nhân và thân nhân trực hệ có mang đột biến dòng mầm.

Quy trình kỹ thuật từ đề tài có thể áp dụng để khảo sát tính chất phân tử của khối u nhằm phục vụ cho điều trị trúng đích trong bệnh lý UTĐTT nói chung cũng như phát hiện các đột biến dòng mầm liên quan đến UTĐTT ở người trẻ nói riêng. Việc kết hợp giữa hai kỹ thuật NGS và Sanger như trong đề tài sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho các bệnh nhân cần khảo sát cả hai mục tiêu là xác định tính di truyền của UTĐTT và xác định các đột biến sinh dưỡng phục vụ cho điều trị đích. Kỹ thuật này có thể chuyển giao cho các cơ sở y tế được trang bị hệ thống giải trình tự gen thế hệ mới tại TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung Bướu,…

Như vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp một công cụ kỹ thuật mới giúp xác định các thay đổi di truyền trong UTĐTT một cách chính xác, hiệu quả, chi phí phải chăng từ đó giúp nâng cao hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc làm chủ được công nghệ NGS sẽ tạo ra những ứng dụng trong chẩn đoán bệnh, từ đó tránh được việc bệnh nhân Việt Nam phải ra nước ngoài xét nghiệm và điều trị gây thất thoát cho nền kinh tế. Đồng thời thông qua nghiên cứu này cũng nâng cao vị thế của y học Việt Nam trong tiếp nhận và làm chủ kỹ thuật mới, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Nguồn: https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/nghien-cuu-ung-dung-ky-thuat-giai-trinh-tu-gen-the-he-moi-trong-khao-sat-dot-bien-gen-o-benh-nhan-ung-thu-dai-truc-trang-tre-tuoi-3b1addd1-af6f-4527-953d-527074c8787b

Thông tin viện

VIỆN NGHIÊN CỨU, ĐÀO TẠO, ỨNG DỤNG TÂM LÝ KINH DOANH VÀ GIÁO DỤC HỌC ĐƯỜNG
Địa chỉ: 235A Hoàng Sa, phường Tân Định, quận 1, Hồ Chí Minh
Mail: haidai5791@gmail.com
VIỆN TRƯỞNG: TS HOÀNG QUỐC ĐẠT0903 837 347
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 21/GP - TTĐT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 14 tháng 3 năm 2022.

Chịu trách nhiệm
2022 © VIEN NGHIEN CUU, DAO TAO, UNG DUNG TAM LY KINH DOANH VA GIAO DUC HOC DUONG. Design by Nina.vn
Zalo
Hotline