Nhằm thiết thực chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2022), đồng thời xây dựng môi trường giao lưu giữa các nhà khoa học trẻ, chia sẻ kết quả nghiên cứu mới nhất, quan điểm về chuyển đổi số hiện nay, ngày 18/05, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ - Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh, Cục công tác phía Nam - Bộ Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học “Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên”.
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan diễn ra toàn diện mọi mặt đời sống, trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến sinh hoạt, học tập, làm việc và phát triển của thanh thiếu nhi. Công nghệ, các nền tảng số và năng lực số của công dân trở thành những nhân tố đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi công đồng và mỗi cá nhân. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng số trở thành lực lượng vô cùng quan trọng, có tính quyết định. Do vậy, việc đầu tư nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên, được rất nhiều nước quan tâm, đầu tư mạnh mẽ, trở thành chiến lược quốc gia.
Hội thảo thu hút nhiều nghiên cứu viên trẻ, nhà khoa học, giảng viên trẻ và sinh viên của các trường, viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu, các cơ quan, doanh nghiệp có quan tâm đến vấn đề phát triển công nghệ lõi, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuổi khối (blockchain), công nghệ thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data)… tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong toàn quốc.
Hội thảo đã nhận được 65 bài báo khoa học của 130 tác giả đến từ 30 đơn vị trên cả nước
Chương trình Hội thảo gồm 2 phần: Phiên toàn thể và Phiên tiểu ban chuyên đề.
Phiên toàn thể có sự tham gia trình bày tham luận của 3 diễn giả chính, là TS. Nguyễn Việt Dũng – Thành Ủy viên, giám đốc Sở KHCN TP.HCM, TS. Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh và TS. Phạm Xuân Kiên - Trưởng ngành Hệ thống thông tin, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh là những chuyên gia về lĩnh vực định hướng phát triển chuyển đổi số, phát triển trong tương lai và lập kế hoạch hợp tác nghiên cứu về các chủ đề có liên quan.
Các phiên tiểu ban chuyên đề được chia thành 2 tiểu ban với 12 bài báo cáo thuộc hai chủ đề là “Giải pháp công nghệ” và “Nâng cao năng lực giáo dục”, cụ thể:
Phiên Tiểu ban 1 – Giải pháp công nghệ (06 báo cáo oral): Tập trung nghiên cứu về các mô hình, giải pháp trí tuệ nhân tạo, AioT, cải tiến hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ. Các đề tài nghiên cứu về công nghệ mới mà Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (Big Data)…
Phiên Tiểu ban 2 – Nâng cao năng lực giáo dục (06 báo cáo oral): Nghiên cứu đề xuất chính sách chuyển đổi số cho thanh niên, và những giải pháp nâng cao năng lực giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số.
Sau Hội thảo, các báo cáo xuất sắc được tuyên dương và trao giải với cơ cấu giải thưởng gồm 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và các giải Khuyến khích, giải poster được bình chọn. Các báo cáo đạt giải tại Hội thảo sẽ được hỗ trợ phản biện và ưu tiên chính sách công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (tiếng Anh và tiếng Việt), Tạp chí Kinh tế - Ngân hàng châu Á - Tạp chí hiện đã được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước ngành, liên ngành tính điểm công trình khoa học.