Trước tình hình nhiều khu vực tại Tây Nguyên tiếp tục xảy ra sụt lún, trượt lở đất gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của dân cư và công trình giao thông, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cử đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ đột xuất "Khảo sát, đánh giá sơ bộ tai biến trượt lở, sạt lở tại Lâm Đồng và Đắk Nông và đề xuất phương án chi tiết" trong 8 ngày từ 15-22/8/2023. Đoàn khảo sát gồm các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực địa chất, địa vật lý của Viện Hàn lâm KHCNVN và các cán bộ quản lý công tác tại Bộ KHCN, do TS. Trần Quốc Cường, Uỷ viên Hội đồng khoa học ngành Các khoa học Trái Đất, Phó Viện trưởng Viện Địa chất làm Trưởng đoàn.
Mục tiêu đặt ra của đoàn khảo sát là bước đầu đánh giá được nguyên nhân, cơ chế hình thành các tai biến trượt lở, nứt đất xảy ra trong tháng 7, 8/2023 tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và đề xuất được phương án nghiên cứu, triển khai tiếp theo phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại.
Trong quá trình nghiên cứu, Đoàn khảo sát đã thu thập các thông tin về đặc điểm địa hình, địa chất, đo vẽ khối trượt, các thông số khe nứt, lớp phủ…Các số liệu này phục vụ cho xây dựng các mặt cắt địa chất, địa mạo khu vực quan tâm. Đối với một số khối trượt hoặc khu vực trọng điểm, đoàn khảo sát tiến hành đo địa vật lý để đánh giá chi tiết cấu trúc địa chất và đặc điểm khối trượt, kết hợp phân tích dữ liệu ảnh viễn thám trước, trong và sau thời gian khảo sát để thấy được bức tranh toàn cảnh của hiện tượng này.
Tiến hành đo địa vật lý tại một số khu vực trọng điểm
Từ ngày 15-17/8/2023, tại Đắk Nông, đoàn đã tiến hành khảo sát trực tiếp tại 6 khu vực trượt lở: hồ thủy lợi Đắk N’ting; khu dân cư Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông); khu vực nứt đất tại ngã ba đường Phạm Văn Đồng, Thánh Gióng, Võ Văn Kiệt, thành phố Gia Nghĩa; trượt lở đường Tỉnh lộ 1A, xã Quảng Tâm; trượt lở đường Nguyễn Tất Thành/ Quốc lộ 14/ Dốc Mỏ đá, thành phố Gia Nghĩa; trượt lở tại đường Trần Hưng Đạo, phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa.
Tại Khu vực Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1, đoàn đã tiến hành đo địa vật lý theo tuyến dài 470m, độ sâu khảo sát tối đa đạt được hơn 50m. Tại khu vực hồ thủy lợi Đắk N’Ting, đoàn đã tiến hành đo địa vật lý theo tuyến dài 300m, độ sâu khảo sát tối đa đạt được hơn 40m.
Nhìn chung, các khu vực này có diễn biến phức tạp, có nhiều vết nứt rộng, sâu, tiềm ẩn nguy cơ trượt lở đất lớn. Qua khảo sát, đoàn công tác nhận thấy cần đặc biệt lưu tâm nhất tới diễn biến của các khu vực: trượt lở tại hồ thủy lợi Đắk N’ting; trượt lở tại đường Tỉnh lộ 1A, xã Quảng Tâm; khu dân cư Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A.
Địa hình khu vực hồ chứa nước Đắk N’ting
Xuất hiện nhiều vết nứt và điểm hư hại xung quanh khu vực hồ chứa nước Đắk N’ting
Các vết nứt kéo dài và sâu hình thành ở khu vực xã Đắk Buk So
Hình ảnh sụt lún và biểu hiện khối trượt quy mô lớn tại xã Quảng Tâm
Kết thúc chuyến khảo sát tại Đắk Nông (17/8), đoàn đã đưa ra một số nhận định, khuyến cáo cho các tai biến hiện tại đang xảy ra tại Đắk Nông nhằm giúp Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông và các cơ quan chức năng của tỉnh có định hướng ứng phó, phòng tránh các sự cố, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng xấu tới công trình hạ tầng, đời sống dân sinh.
Điểm quan trắc sụt lún của Viện Địa chất, Viện Hàn lâm KHCNVN (kết quả nghiên cứu khoa học đề tài TN18/T13, thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016- 2020) đặt tại đường Trần Hưng Đạo đo được độ dịch chuyển ~ 168mm ở độ sâu 39,5m (16/8/2023) so với thời điểm bắt đầu đo (07/1/2020).
Khảo sát vết nứt mới hình thành tại đường Phạm Văn Đồng, thành phố Gia Nghĩa
Từ Đắk Nông, đoàn tiếp tục chuyến khảo sát, nghiên cứu tại hiện trường thuộc tỉnh Lâm Đồng trong các ngày 18-22/8/2023. Theo kế hoạch, Đoàn khảo sát sẽ tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu hiện trạng, diễn biến nứt trượt đất từ đó có đánh giá chung về tai biến trượt lở đồi núi ở tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông và sẽ sớm có báo cáo đánh giá về nguyên nhân, cơ chế, xu thế của tai biến tại các khu vực khảo sát, từ đó đề xuất phương án phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại trước mắt và lâu dài.
Mai Lan
Nguồn: https://vast.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/khao-sat-%C4%91anh-gia-so-bo-tai-bien-truot-lo-sat-lo-tai-lam-%C4%91ong-va-%C4%91ak-nong-97804-403.html