Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Bệnh viện Bình Dân chủ trì thực hiện, PGS.TS. Trần Vĩnh Hưng làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2021.
Với sự phát triển khoa học công nghệ hiện nay, nhờ sự hiểu biết chính xác cấu trúc giải phẫu học kết hợp với phương pháp phẫu thuật nội soi (PTNS) ổ bụng, đặc biệt khi có sự trợ giúp của hệ thống robot phẫu thuật, việc phẫu thuật cắt bỏ tận gốc khối u ác tính của các cơ quan vùng chậu ngày càng thuận lợi cả về phương diện ngoại khoa và ung thư học.
Với sự khẳng định tính ưu việt của phẫu thuật robot (PTRB) tại các nước có nền y học phát triển, hiện nay vai trò của PTNS kinh điển hoặc mổ mở trong các ung thư vùng chậu đang dần bị thu hẹp. Các phẫu thuật này dần được thay thế bằng PTRB cho thấy xu thế chung của nền y học thế giới là ứng dụng PTRB rất phổ biến trong các bệnh lý ung thư vùng chậu. Y học Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó nên các nghiên cứu ban đầu về chủ đề này rất cần sự khích lệ.
Hiện nay, Bệnh viện Bình Dân là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam áp dụng PTRB trên người lớn trong phẫu thuật ngoại tổng quát và ngoại tiết niệu. Sự phát triển của PTRB trên thế giới đã dần được khẳng định về tính an toàn và hiệu quả, PTRB ở Việt Nam tuy tiến hành muộn hơn, nhưng được thừa hưởng kết quả từ những nghiên cứu trên thế giới. Điều này có thể giúp cho các phẫu thuật viên Việt Nam rút ngắn đường cong học tập. Ngoài ra do thể hình của người Việt Nam với khung chậu hẹp càng cho thấy rõ ưu thế của PTRB so với PTNS kinh điển hoặc mổ mở ở vùng chậu.
Đề tài nêu trên được thực hiện với mục tiêu đánh giá kết quả PTRB điều trị ung thư trực tràng (UTTT) và ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL). Cụ thể là đánh giá hiệu quả, độ an toàn của PTRB trong điều trị ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt khi so sánh với nội soi ổ bụng tiêu chuẩn; xác định nhóm bệnh nhân ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt có tính khả thi với với phẫu thuật triệt căn bằng nội soi có robot hỗ trợ.
Qua nghiên cứu và theo dõi 180 trường hợp được phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân, nhóm nghiên cứu đưa ra các kết luận như sau:
+ Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tổn thương giải phẫu của nhóm bệnh nhân UTTT và UTTTL là tương đồng nhau cho thấy chỉ định phẫu thuật triệt căn bằng robot là khả thi khi bệnh nhân có chỉ định PTNS. Với các trường hợp áp dụng phẫu thuật robot: phẫu thuật cắt trước thấp và cực thấp chiếm 78% ở nhóm UTTT, còn với UTTTL 100% được áp dụng phương pháp trong phúc mạc.
+ Kết quả phẫu thuật robot:
- Thời gian PTRB trong cả hai loại UTTT (201,9 phút) và UTTTL (171,85 phút) đều có thời gian ngắn hơn so với PTNS, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê.
- Không có trường hợp chuyển mổ mở vì các tai biến, biến chứng nghiêm trọng. Tỉ lệ tai biến biến chứng thấp. Mất máu trong mổ trung bình 74ml (nhóm trực tràng) đến 394,5ml (nhóm TTL).
- Thời gian hồi phục nhanh hơn ở nhóm PTRB, chất lượng sống sau mổ tốt hơn cho thấy đây là phương pháp an toàn, hiệu quả trong điều trị UTTT và UTTTL.
Kết quả đề tài cũng xây dựng được quy trình vận hành, thao tác với robot phẫu thuật phù hợp cho bệnh nhân người lớn tại Việt Nam trong điều trị bệnh lý UTTT, UTTTL; có thể triển khai rộng rãi mô hình phẫu thuật có robot hỗ trợ cho các trung tâm khác ở khu vực phía Nam hay cả nước, từ đó giúp người dân tiếp cận kỹ thuật điều trị mới mà không phải tốn kém chi phí ra nước ngoài điều trị.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)
Nguồn: https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/ket-qua-phau-thuat-noi-soi-co-robot-ho-tro-trong-ung-thu-truc-trang-va-ung-thu-tuyen-tien-liet-11b010a6-1725-4c97-b144-66ed85dc1eae