TS. Lê Thị Thu Hường hiện là giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế, ĐHQGHN. Bên cạnh việc giảng dạy, chị cũng là trưởng nhóm nghiên cứu Tài chính - Kế toán. TS. Lê Thị Thu Hường đã được Wiley Publishing trao giải thưởng “Bài báo được trích dẫn nhiều nhất năm 2020-2021”. Theo TS. Hường, điều quan trọng nhất với các nhà khoa học nữ đó là có niềm tin vào bản thân, dám mơ ước và sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ. |
Trước khi trở thành giảng viên của Trường Quốc tế, ĐHQGHN, TS. Lê Thị Thu Hường theo học tiến sĩ và là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Brighton, Vương Quốc Anh. Bên cạnh việc giảng dạy, chị phụ trách chuyên môn Bộ môn Tài chính và cũng là Trưởng nhóm nghiên cứu Tài chính - Kế toán. Nhóm nghiên cứu tập trung vào các vấn đề kinh tế vi mô và vĩ mô, xem xét các mối quan hệ trong tài chính doanh nghiệp dựa trên phương pháp định tính và định lượng nhằm kiểm tra và đưa ra bằng chứng về các mối quan hệ này. Chị và các đồng nghiệp cũng nghiên cứu về các vấn đề trong kế toán tài chính đương đại.
Các nghiên cứu trong lĩnh vực Kinh tế - Tài chính thường sử dụng nhiều công cụ định lượng (Quantitative research), trong đó yêu cầu việc thu thập dữ liệu và sử dụng các thống kê toán, các mô hình kinh tế lượng để phân tích dữ liệu. Theo tôi, đây là điểm khác biệt cũng như là “thách thức” trong các nghiên cứu lĩnh vực Kinh tế - Tài chính. Người nghiên cứu trong lĩnh vực này thường xuyên phải thu thập và phân tích dữ liệu lớn, ví dụ số liệu kinh doanh của các doanh ngiệp tích lũy từ quá khứ, dữ liệu giá chứng khoán, hay số liệu kinh tế vĩ mô của các quốc gia... Bên cạnh đó, các nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng yêu cầu việc xây dựng và sử dụng các mô hình kinh tế để ước lượng các mối quan hệ giữa quan sát thực và các biến kinh tế và kiểm định các giả thuyết thống kê về các mối quan hệ của chúng. Và để thu thập, xử lý dữ liệu cũng như xây dựng các mô hình kinh tế lượng, đòi hỏi các nhà khoa học cần có hiểu biết về các nguồn số liệu (database) và khả năng sử dụng các phần mềm phân tích số liệu (Eview, Stata, SAS, Python etc.). - Làm nghiên cứu khoa học không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với nhà khoa học nữ.Vậy chị có lời khuyên nào dành cho các chị em khi theo đuổi đam mê khoa học? Khó khăn của một nhà khoa học nữ, theo tôi đó là rào cản từ truyền thống, văn hoá và xã hội. Dù ở phương Đông hay phương Tây, các quốc gia đang hay đã phát triển, các nhà khoa học nữ luôn phải đối mặt với định kiến của xã hội. Thêm vào đó, việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình cũng là một thách thức đối với các nhà khoa học nữ. Việc chăm sóc gia đình và nuôi dưỡng con cái từ lâu được xem như trách nhiệm của người phụ nữ, vì vậy để có cân bằng trong cuộc sống và theo đuổi đam mê nghiên cứu, các nhà khoa học nữ cần cố gắng rất nhiều. Để có thể vượt qua những khó khăn trên, tôi nghĩ điều quan trọng nhất với các nhà khoa học nữ đó là có niềm tin vào bản thân, dám mơ ước và sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có sự nỗ lực, kiên trì và làm việc chăm chỉ mới khiến bạn đạt được mục tiêu của mình, đừng để việc bạn là phụ nữ ảnh hưởng đến thành công của bạn. - Chị nghĩ thế nào về sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học? Theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Tuy nhiên, tôi rất may mắn vì từ khi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các nhà khoa học khác là giáo sư hướng dẫn cũng như các anh chị đồng nghiệp là các nhà khoa học đi trước. Họ đã truyền cho tôi rất nhiều kinh nghiệp quý báu trong nghiên cứu khoa học. Tôi cũng nhận được sự hỗ trợ lớn từ gia đình mà đặc biệt là bố mẹ và chồng của tôi. Sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học tôi nghĩ là rất cần thiết, đặc biệt với những nhà khoa học trẻ. Đây sẽ là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi, học hỏi lẫn nhau và tôi tin chắc rằng việc hợp tác trong nghiên cứu sẽ làm tăng hiệu quả cũng như chất lượng của các nghiên cứu khoa học. Trong thời gian qua, mặc dù đã kết thúc chương trình đào tạo tiến sĩ khá là lâu, nhưng tôi vẫn đang hợp tác với giáo sư hướng dẫn của mình trong việc nghiên cứu khoa học. Kết quả đạt được của sự hợp tác này là rất khả quan. Trong những năm qua, chúng tôi liên tiếp có được các công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín trong lĩnh vực và nhận được sự đánh giá cao từ đồng nghiêp, cũng như các nhà khoa học khác.
Để thu hút các bạn trẻ theo đuổi nghiên cứu khoa học, trước hết chúng ta cần có cơ chế, chính sách để khơi nguồn, khuyến khích các bạn tham gia nghiên cứu khoa học. Các trường đại học nên là người đi đầu trong việc tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi cho người trẻ. Các bạn cần được trang bị, bồi dưỡng năng lực, phương pháp nghiên cứu khoa học với dự hướng dẫn, giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Các hoạt động, cuộc thi cũng cần được tổ chức một cách thường xuyên, để đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Bên cạnh đó, tôi nghĩ các giảng viên nên là tấm gương cho các em trong nghiên cứu khoa học, động viên, cũng như đưa ra các hướng dẫn, định hướng phù hợp cho các em để khơi gợi đam mê nghiên cứu khoa học của mỗi sinh viên. Trong thời gian công tác tại Trường Quốc tế, ĐHQGHN, tôi thấy Nhà trường không ngừng chú trọng và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên thông qua nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo về kiến thức và kỹ năng cũng như có các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, những nghiên cứu tiềm năng của sinh viên sẽ được tạo điều kiện tối đa để có thể công bố trên các tạp chí quốc tế có chất lượng. Chính sự quan tâm cùng những hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học ngay tại môi trường đại học sẽ giúp truyền ngọn lửa đam mê và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học tới người trẻ. Trân trọng cảm ơn TS. Lê Thị Thu Hường!
|
Nguyễn Minh - Bản tin ĐHQGHN |
Nguồn: https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N33261/dieu-quan-trong-nhat-voi-cac-nha-khoa-hoc-nu-la-co-niem-tin-vao-ban-than-va-dam-mo-uoc.htm