Cùng nhau trải lòng cùng “Đại dương đen - Ta biết gì về thế giới người trầm cảm?”

Kinh doanh giáo dục
091 3815 684 - 0903837347
Cùng nhau trải lòng cùng “Đại dương đen - Ta biết gì về thế giới người trầm cảm?”
Ngày đăng: 11/05/2022 10:12 PM

Cùng nhau trải lòng cùng “Đại dương đen - Ta biết gì về thế giới người trầm cảm?”

 

Sáng 8.5, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) cùng Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã tổ chức tọa đàm “Đại dương đen - Ta biết gì về thế giới người trầm cảm?” nhằm tạo không gian kết nối giữa TS. Đặng Hoàng Giang với độc giả về vấn đề trẩm cảm trong xã hội.

Tọa đàm có sự tham gia của ThS. Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp (ĐHQG-HCM), Diễn giả - TS. Đặng Hoàng Giang, biên tập viên Diệu Thủy và các sinh viên, độc giả.

TS. Đặng Hoàng Giang giải thích về cơ chế thùng chứa stress - một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm - Ảnh: Khánh Linh.

Trầm cảm là căn bệnh nguy hiểm

Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ kiến thức về căn bệnh trầm cảm cho độc giả, bao gồm 2 nội dung chính: (1) Những đường đi của trầm cảm và (2) Thùng chứa stress của một cá nhân (nguyên nhân gây ra trầm cảm). Dựa vào tài liệu nghiên cứu của GS. Carsten Konrad, TS. Đặng Hoàng Giang đề cập đến 5 giai đoạn của trầm cảm:

  • Giai đoạn trầm cảm chủ yếu, hồi phục hoàn toàn.
  • Giai đoạn hồi phục không hoàn toàn.
  • Trầm cảm quay lại.
  • Trầm cảm dai dẳng.
  • Trầm cảm kép (gồm trầm cảm chủ yếu và trầm cảm dai dẳng).

Ngoài ra, cũng trong một nghiên cứu của Đại học Amsterdam và Đại học Eramus (Hà Lan), trầm cảm nhẹ được ví như viêm khớp hông hay đầu gối; rối loạn lo âu nhẹ vừa giống nứt đốt sống hoặc HIV; trầm cảm vừa như hen suyễn nặng, viêm gan B, bệnh điếc, đa xơ cứng; rối loạn căng thẳng hậu chấn thương mức nặng như liệt chi dưới, viêm phế quản kinh niên nặng, tổn thương thành phế nang phổi. Cuối cùng, trầm cảm nặng tương đương tổn thương não vĩnh viễn, ung thư vú đã di căn.

Lý Trúc Nhã (sinh viên năm 3 khoa Báo chí Truyền thông) thể hiện lại câu chuyện số 3: “Một không gian xanh tím và đặc quánh” trong cuốn sách “Đại dương đen - Những câu chuyện từ thế giới trầm cảm” - Ảnh: Khánh Linh.


Theo TS. Đặng Hoàng Giang, trầm cảm có thể xảy ra ở bất cứ cá nhân nào. 12 câu chuyện trong phần một của cuốn sách là các ví dụ cho thấy đối tượng của trầm cảm rất đa dạng, độc giả có thể bắt gặp họ ở mọi độ tuổi, ngành nghề và hoàn cảnh. Đặc biệt, thách thức chung mà người trầm cảm phải đối diện chính là định kiến từ xã hội. Vì thế, ông cho rằng mọi người cần loại bỏ thói quen "dán nhãn" người khác - đặc biệt là người trầm cảm. Chính sự vô tâm, thiếu kiến thức về căn bệnh này nói riêng và sức khỏe tinh thần nói chung, là một trong những yếu tố khiến cho quá trình chia sẻ và điều trị của bệnh nhân trầm cảm gặp nhiều khó khăn. 

Thách thức khi tiếp cận “đại dương đen”

Ở phần giao lưu cùng độc giả, đứng trước câu hỏi làm thế nào để tạo nên không gian an toàn, đáng tin giúp người trầm cảm có thể thoải mái chia sẻ, TS. Đặng Hoàng Giang giải đáp rằng ông luôn quan sát và lưu ý đến mức năng lượng bên trong của nhân vật phỏng vấn. Ông sẽ kiên nhẫn chờ đợi khi nhân vật quá sức căng thẳng, chỉ khi họ cảm thấy đủ khỏe mạnh thì mới tiến hành chia sẻ trong 1-2 tiếng. Để hoàn thành dự án, ông vừa tìm hiểu tài liệu nghiên cứu, vừa tỉ mỉ ghi chép tất cả những điều nhỏ nhất trong mỗi câu chuyện, sau đó trình bày câu chữ lại sao cho logic. Ngoài ra, ông tiết lộ thêm: "Trong quá trình phỏng vấn và viết sách, tôi luôn dành sự quan tâm, tôn trọng và lắng nghe câu chuyện của mọi người".

 

Nguyễn Ngọc Hoài Thương (lớp 12 chuyên Văn 1, Trường THPT Lê Hồng Phong) đặt câu hỏi và trao đổi trực tiếp với diễn giả - Ảnh: Khánh Linh.

Bên cạnh đó, khi giải đáp câu hỏi làm sao để giữ được sức khỏe tinh thần trong quá trình làm việc, TS. Đặng Hoàng Giang chia sẻ nếu như bản thân cảm thấy không ổn thì ông sẽ tạm dừng dự án lại để thư giãn, điều chỉnh cảm xúc rồi sau đó mới tiếp tục tương tác với nhân vật. Ông cho rằng với những người đang chăm sóc bệnh nhân trầm cảm cũng thế, họ cần phải trang bị đủ kiến thức để tự bảo vệ mình bởi nếu không, chính họ sẽ bị kiệt quệ và rơi vào “thùng chứa stress”. Tiếp xúc với người trầm cảm, những người xung quanh cần dành sự kiên nhẫn, tập trung lắng nghe mà không phán xét để giúp người trầm cảm vượt qua căn bệnh này. 

Hành trình chữa lành và yêu thương bản thân

Để giúp độc giả tiếp cận với cuốn sách Đại dương đen - Những câu chuyện từ thế giới trầm cảm hiệu quả hơn, TS. Đặng Hoàng Giang cho biết độc giả cần xác định trạng thái sức khỏe tinh thần của mình, từ đó lựa chọn cách đọc phù hợp. Trong đó, ông đề xuất người đọc có thể tham khảo nội dung phần hai gồm những kiến thức về trầm cảm và trị liệu trước, sau đó quay lại phần một với 12 câu chuyện để có thể soi chiếu, đồng cảm cùng các nhân vật và phần nào hạn chế khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực.

 

TS. Đặng Hoàng Giang khẳng định: “Không dùng thước đo của người ngoài để tự đánh giá mình, thấy mình không xứng đáng chia sẻ căn bệnh trầm cảm.”  - Ảnh: Khánh Linh.

Trước khi khép lại buổi tọa đàm, TS. Đặng Hoàng Giang không quên nhấn mạnh: "Thành công lớn nhất của hành trình chữa lành chính là học cách yêu thương bản thân". Thông qua dự án lần này, ông mong có thể mang lại sự đồng cảm an ủi, giúp cho người trầm cảm tìm thấy bản thân mình qua những trang sách. Đây là lời động viên để họ không cảm thấy mình kỳ lạ, lạc lõng hay cô đơn trong xã hội.

Đối với ông, quá trình chữa lành của người trầm cảm là một chặng đường dài. Vì thế, xã hội cần có trách nhiệm hỗ trợ, phải có đủ kiến thức để lắng nghe, tôn trọng câu chuyện của người trầm cảm thay vì phán xét. Ngoài ra, TS. Đặng Hoàng Giang còn chia sẻ thêm về dự án Ngày mai, được biết đây là đường dây nóng đầu tiên hỗ trợ người trầm cảm tại Việt Nam. Thông tin liên hệ:

  • Số điện thoại: 0963061414. 
  • Thời gian hoạt động: 13h - 20h30 thứ Tư, Năm, Sáu, Bảy và Chủ nhật.

 

Không chỉ là một cuốn sách

Tại buổi tọa đàm, TS. Đặng Hoàng Giang cho biết, hiện nay rất ít người trầm cảm nhận được sự hỗ trợ. Vì thế, ông mong muốn được kể và đưa câu chuyện của họ ra ánh sáng để xã hội nhận thức đúng đắn hơn. Đại dương đen - Những câu chuyện từ thế giới trầm cảm là dự án được thực hiện trong 2 năm của TS. Đặng Hoàng Giang trên hành trình gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với khoảng 50-60 nhân vật. Cuốn sách là “tiếng nói” tiên phong, mạnh dạn chia sẻ rộng rãi câu chuyện của người trầm cảm đến với cộng đồng. Đây còn là tài liệu hướng dẫn tâm lý dành cho người trầm cảm, cũng như những người đồng hành, chăm sóc họ vượt qua căn bệnh này. Mặt khác, cuốn sách hướng đến giá trị nhân quyền to lớn hơn, đó là người trầm cảm có quyền được sống và hạnh phúc.

“Đại dương đen - Ta biết gì về thế giới người trầm cảm?” là tọa đàm đầu tiên về chủ đề trầm cảm và sức khỏe tinh thần mà Nguyễn Ngọc Hoài Thương (lớp 12CV1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) tham dự. Vì thế điều khiến bạn ấn tượng nhất là được lắng nghe những chia sẻ sâu sắc, thực tế về trầm cảm từ một người ở thế hệ trước. “Em biết ơn vì nhờ có những người như bác Đặng Hoàng Giang là một trong những người đầu tiên dám cất lên tiếng nói để chúng ta cùng nhau thật sự đối mặt với căn bệnh trầm cảm. Em nghĩ sau buổi tọa đàm, sẽ có rất nhiều người như em, được thấu hiểu nhiều hơn. Hy vọng là trong tương lai, không chỉ có một bác Đặng Hoàng Giang mà có nhiều người khác cất lên tiếng nói nhiều hơn, có thêm nhiều tọa đàm, nhiều đường dây nóng Ngày Mai hơn để giúp đỡ sức khỏe tinh thần cho xã hội” - Hoài Thương chia sẻ.

Nguồn: https://hcmussh.edu.vn/tin-tuc/dai-duong-den-ta-biet-gi-ve-the0gioi-nguoi-tram-cam

Thông tin viện

VIỆN NGHIÊN CỨU, ĐÀO TẠO, ỨNG DỤNG TÂM LÝ KINH DOANH VÀ GIÁO DỤC HỌC ĐƯỜNG
Địa chỉ: 235A Hoàng Sa, phường Tân Định, quận 1, Hồ Chí Minh
Mail: haidai5791@gmail.com
VIỆN TRƯỞNG: TS HOÀNG QUỐC ĐẠT0903 837 347
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 21/GP - TTĐT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 14 tháng 3 năm 2022.

Chịu trách nhiệm
2022 © VIEN NGHIEN CUU, DAO TAO, UNG DUNG TAM LY KINH DOANH VA GIAO DUC HOC DUONG. Design by Nina.vn
Zalo
Hotline