Thời gian gần đây, tình trạng quấy rối tình dục sinh viên trở nên phổ biến, gây nên tâm lý hoang mang lo sợ trong người trẻ. Thấu hiểu được vấn đề ấy, Liên Chi hội Sinh viên Khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) đã tổ chức Talkshow butterFLY: Phòng chống quấy rối tình dục cho sinh viên.
Chương trình có sự tham gia của các diễn giả: TS. Lê Anh Vũ - Giảng viên chương trình Công tác Xã hội, Trường Đại học Thủ Dầu Một; Chuyên gia Nguyễn Thị Thùy Linh - Cử nhân Tham vấn trị liệu; BS. Phạm Hồng Gia Nguyên - Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn; TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS).
Talkshow có sự tham gia của các chuyên gia lĩnh vực Xã hội học, Tâm lý học - Nguồn ảnh: Liên Chi hội Sinh viên Khoa Xã hội học.
Quấy rối tình dục - nguyên nhân và giải pháp?
Theo khảo sát của TS. Lê Anh Vũ trên các địa bàn TP. HCM, những nơi xuất hiện nhiều hành vi quấy rối tình dục như khu vực đông sinh viên học tập, các trạm xe bus, ký túc xá. Cũng theo khảo sát này, hiện nay công viên, xe bus, nhà vệ sinh công cộng là 3 địa điểm thường xuất hiện hành vi quấy rối tình dục.
Có 4 nhóm hành vi quấy rối phổ biến: Quấy rối về thể chất; quấy rối về ngôn ngữ, quấy rối phi ngôn ngữ; quấy rối trên mạng xã hội. Trong đó, quấy rối phi ngôn ngữ thường được cho rằng là những hành vi mang tính trêu đùa. Song, giảng viên trường ĐH Thủ Dầu Một, chỉ rõ đây là những hành vi có ý xúc phạm đến ngoại hình, tâm lý của người khác.
Theo TS. Lê Anh Vũ, sinh viên hiện nay nhận thức rất rõ quấy rối về thể chất lẫn quấy rối về ngôn ngữ, tuy nhiên vẫn chưa nhận diện được những hành vi phi ngôn ngữ - Nguồn ảnh: Liên Chi hội Sinh viên Khoa Xã hội học.
Hiện nay, có nhiều trường hợp nạn nhân sau khi bị quấy rối hoặc xâm hại tình dục, đều lựa chọn im lặng. TS. Lê Anh Vũ cho biết có tới 1/3 sinh viên tham gia khảo sát, chọn cách ứng phó mang tính thụ động như vậy. Lý giải về vấn đề này, chuyên gia cho biết nếu nạn nhân công khai việc bị quấy rối hoặc xâm hại tình dục thì đây không chỉ là câu chuyện của một cá nhân. Như một hiệu ứng lan truyền, nó ảnh hưởng tới gia đình, dòng họ, thậm chí cộng đồng xung quanh nạn nhân.
Song, quấy rối tình dục không xuất phát từ cách ăn mặc của người bị hại. Nó đến từ môi trường xung quanh không an toàn, từ sự thiếu kiềm chế của người quấy rối. Do đó, thay vì đổ lỗi cho nạn nhân, hãy dành sự đồng cảm và lên tiếng vì họ. Cách lên tiếng của cộng đồng vừa là cách giúp đỡ tốt nhất cho nạn nhân vừa bảo vệ những người xung quanh.
Chính vì vậy, theo Bác sĩ Phạm Hồng Gia Nguyên, cộng đồng và xã hội cần phải có hành động quyết liệt trước thực trạng này. Sinh viên cũng có quyền đề nghị các cấp lãnh đạo ở trường đại học, công ty, ký túc xá phải có những hoạt động, quy định phòng chống quấy rối, xâm hại tình dục.
Chia sẻ một vài bí quyết phòng tránh quấy rối, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thùy Linh cho rằng phải luôn đặt bản thân vào thế chủ động tự bảo vệ mình như tập võ, đặt chip báo động, tập la hét phòng hờ những trường hợp xảy ra quá bất ngờ.
Sinh viên trình bày ý kiến với diễn giả - Nguồn ảnh: Liên Chi hội Sinh viên Khoa Xã hội học.
“Bạn không có lỗi!”
Đây là thông điệp được bốn vị diễn giả nhấn mạnh xuyên suốt chương trình. Thực tế chỉ rõ, bên cạnh việc im lặng, tự trách bản thân là trạng thái mà nhiều nạn nhân gặp phải hậu quấy rối, xâm hại tình dục.
TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) đưa ra lời khuyên các nạn nhân phải mạnh mẽ và đừng im lặng. Nếu lên tiếng, hãy lường trước tất cả những việc có thể xảy ra sau đó và phải thật sự sẵn sàng. “Chúng ta lên tiếng để góp phần giải quyết vấn đề này. Việc lên tiếng cực kỳ quan trọng, chúng ta ko có đồng hồ quay ngược thời gian nhưng hãy nhớ chúng ta không phải là người có lỗi. Kẻ xâm hại là kẻ xấu và hành vi đó cần phải được xóa bỏ”. - Diễn giả nhắn nhủ.
Vì khoảng cách địa lý, TS. Khuất Thu Hồng trao đổi với sinh viên qua hình thức video thu sẵn - Ảnh: Liên Chi hội Sinh viên Khoa Xã hội học.
Gợi ý một số giải pháp thoát khỏi cảm giác sợ hãi, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thùy Linh khuyên sinh viên hãy cho bản thân thời gian để chữa lành; đồng thời thử tìm những niềm vui ngắn hạn (Sở thích; điểm mạnh;…) và niềm vui dài hạn (kỷ niệm, việc làm khó quên,...). Bên cạnh đó, sinh viên hãy cho phép bản thân dấn thân vào các hoạt động thiện nguyện, Đoàn - Hội để khám phá hoặc củng cố những giá trị tốt đẹp. Trong trường hợp xấu nhất, hãy tìm đến các dịch vụ tham vấn trị liệu chuyên nghiệp.
Bác sĩ Phạm Hồng Gia Nguyên cũng chia sẻ thêm nếu sinh viên là người thân của nạn nhân, hãy cho phép nạn nhân gọi tên trải nghiệm đó; lắng nghe và chia sẻ, nhắc nhở người đó không có lỗi, hướng dẫn nạn nhân đi tìm sự trợ giúp. Quan trọng nhất là những người xung quanh không nên phán xét nạn nhân.
Xét cho cùng, sự đồng cảm của xã hội là yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình chữa lành của người bị hại. “Vì họ đã trải qua nỗi đau ấy rất nhiều lần. Nếu chúng ta tiếp cận không tốt thì nỗi đau ấy sẽ càng nhân lên gấp nghìn lần. Tôi mong rằng kể cả chúng ta dù lựa chọn không lên tiếng ủng hộ thì cũng đừng đổ lỗi cho họ. Nhưng, trên hết các bạn hãy có một thái độ rõ ràng, có chủ kiến với cái xấu. Chúng ta đều lựa chọn giá trị tốt đẹp, hãy hành động để hướng đến cái thiện, điều tốt. Chúng ta ngợi ca những giá trị ấy thì phải có những hành động phù hợp”. - TS. Khuất Thu Hồng gửi gắm.
Để những điều tử tế được nở hoa Trần Tố Trang - Trưởng Ban tổ chức Talkshow "butterFLY: Phòng, chống quấy rối tình dục cho sinh viên", chia sẻ động lực thôi thúc Liên Chi hội Sinh viên Khoa Xã hội học tổ chức là mong muốn chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho sinh viên trước vấn nạn quấy rối tình dục. “Đây cũng là một thực trạng dễ gây tranh cãi nếu tiếp cận không khéo nên chúng mình đã mời những chuyên gia về xã hội học, tâm lý học với mong muốn đem những góc nhìn toàn diện nhất cho các bạn sinh viên” - Tố Trang cho biết. |
Nội dung: KHÁNH LINH
ẢNH: Liên chi Hội Sinh viên Khoa Xã hội học
Nguồn: https://hcmussh.edu.vn/tin-tuc/ngung-do-loi-ngung-dinh-kien