Bột chiết xuất trùn quế có khả năng kích thích tăng sinh nguyên bào sợi, ức chế các enzyme gây tác động xấu đến da, giúp bảo vệ da, giúp ngăn ngừa tình trạng chạy xệ da, mất đàn hồi và chống lão hóa da. Ngoài ra bột chiết xuất trùn quế còn có tác dụng tan máu bầm, giảm mức độ viêm do quá trình viêm gây ra mà không gây độc lên tế bào. Những hoạt tính này cho thấy được tiềm năng ứng dụng vào ngành công nghiệp mỹ phẩm của bột chiết xuất trùn quế.
Trong những năm gần đây, các hợp chất sinh học có khả năng làm trắng da, bảo vệ da khỏi tác động của tia UV, chống lão hóa và cải thiện sức khỏe làn da đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ nhà nghiên cứu và là những hướng nghiên cứu chính ứng dụng mạnh ngành công nghiệp mỹ phẩm. Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư phát triển các sản phẩm có chứa hoạt chất ức chế các enzyme liên quan đến quá trình tổng hợp melanin và làm suy giảm độ đàn hồi của da như tyrosinase, collagenase, elastase và matrix metalloproteinase. Kết quả nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã ghi nhận tiềm năng ứng dụng của trùn đất và các sản phẩm từ trùn trong lĩnh vực thực phẩm và mỹ phẩm, do có nhiều giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, acid amin và khoáng vi lượng. Đặc biệt, trong lĩnh vực mỹ phẩm, chiết xuất từ trùn cho thấy hoạt tính tốt trong chống oxi hóa, kháng khuẩn, kháng viêm nên đã được sử dụng làm nguyên liệu trong sản xuất các sản phẩm sữa tắm, kem dưỡng da, mặt nạ đáp ứng yêu cầu an toàn và hiệu quả trong dưỡng ẩm, sát khuẩn, làm sạch và chống lão hóa da. Trên thế giới có nhiều nghiên cứu đánh giá thành phần hoạt tính sinh học của các chiết xuất từ các loài trùn khác nhau như Eisenia foetida, Lampito mauritii, Lumbricus rubellus, nhưng có rất ít những nghiên cứu về thành phần hoạt tính sinh học của chiết xuất từ trùn quế (Perionyx excavatus) cũng như ứng dụng của chúng trong công nghiệp mỹ phẩm.
Trong các loại trùn, trùn quế (Perionyx excavatus) thuộc chi Pheretima, họ Megascocidae, là loại trùn được nhập nội, thuần hóa. Loài trùn này mắn đẻ, sinh sản nhanh, dễ nuôi, cho sản lượng sinh khối cao - tăng gấp 3,6 lần sau 60 ngày nuôi. Trùn quế có hàm lượng protein cao, giàu acid amin thiết yếu với 66,14% protein; 7,4% lipit; 13,23% khoáng tổng số; 1,73 % xơ; 0,11 % canxi và 0,118 % photpho (tính theo vật chất khô). Ở Việt Nam, trùn quế được nuôi rộng rãi ở nhiều địa phương nên nguồn trùn quế rất dồi dào, chủ yếu tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong bối cảnh ngành công nghiệp mỹ phẩm đang không ngừng tìm kiếm các thành phần có nguồn gốc tự nhiên, an toàn và thân thiện với môi trường, việc nghiên cứu chiết xuất trùn quế trong việc ứng dụng làm nguyên liệu mỹ phẩm là hướng đi tiềm năng và có giá trị. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng này, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu thu nhận chiết xuất trùn quế (Perionyx excavatus) có hoạt tính sinh học ứng dụng làm nguyên liệu mỹ phẩm”, với sự hỗ trợ từ Sở KH&CN TP.HCM. Nghiên cứu tập trung vào việc xây dựng quy trình chiết tách, phân tích thành phần và đánh giá các hoạt tính sinh học của chiết xuất từ trùn quế, hướng đến phát triển nguồn nguyên liệu thiên nhiên, an toàn và thân thiện với môi trường cho ngành mỹ phẩm.
Sản phẩm bột chiết xuất trùn quế
Về nguồn nguyên liệu trùn quế, ThS. Nguyễn Thị Dung – chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành lựa chọn nguồn trùn quế nuôi cải tiến bằng phụ phẩm hữu cơ (khoảng 8 - 9 tuần tuổi) ở TP.HCM, vì có hàm lượng protein và một số acid amin cao hơn trùn quế nuôi truyền thống. Đánh giá hoạt tính sinh học cho thấy, chiết xuất từ trùn quế nuôi cải tiến có khả năng ức chế enzyme elastase vượt trội hơn so với mẫu đối chứng. Elastase là enzyme liên quan đến quá trình phân hủy elastin – một thành phần quan trọng trong việc duy trì độ đàn hồi và săn chắc của da. Do đó, chỉ tiêu này được sử dụng để đánh giá sơ bộ tiềm năng ứng dụng chống lão hóa của nguyên liệu trong ngành mỹ phẩm.
ThS. Nguyễn Thị Dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ
Từ bột trùn quế nguyên liệu, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã thực hiện tách chiết và thu nhận chiết xuất trùn quế ở quy mô 500g/mẻ sản phẩm đầu ra, hiệu suất thu nhận đạt 10%. Sản phẩm bột chiết xuất trùn quế có màu nâu hồng, dạng bột mịn. Bột có hoạt tính kháng oxy hóa và khả năng kích thích tăng sinh nguyên bào sợi, có khả năng ức chế các enzyme gây tác động xấu đến da (elastase, tyrosinase, MMP-1) ổn định. Sản phẩm có hàm lượng protein đạt tối thiểu 70% và chứa các phân đoạn protein khối lượng thấp. Ngoài ra sản phẩm bột chiết xuất trùn quế còn đạt tiêu chuẩn về kim loại nặng và vi sinh vật, không gây kích ứng cho da, đúng theo với tiêu chuẩn của các loại bột nguyên liệu mỹ phẩm theo thông tư 06/2011/TT – BYT, phù hợp với hướng ứng dụng làm nguyên liệu mỹ phẩm.
Chia sẻ về khả năng ứng dụng thương mại hóa của bột chiết xuất trùn quế, ThS. Nguyễn Thị Dung khẳng định: “Bột chiết xuất trùn quế là sản phẩm có chứa hàm lượng protein lớn trên 70%, trong đó có các protein kích thước nhỏ dưới 50kDa, cùng với nhiều loại acid amin và các vitamin nhóm B, có thể có thể hỗ trợ ngăn ngừa lão hóa, chống chảy xệ da do các loại enzyme lão hóa gây nên. Việc sản xuất và ứng dụng sản phẩm bột chiết xuất trùn quế sẽ góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu mỹ phẩm từ thiên nhiên đáp ứng được những nhu cầu của thị trường về các dòng sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên ngăn ngừa lão hóa và chống chảy xệ da.”.
Về hoạt tính sinh học ứng dụng làm nguyên liệu mỹ phẩm, bột chiết xuất trùn quế có khả năng kích thích tăng sinh nguyên bào sợi, có khả năng ức chế các enzyme gây tác động xấu đến da (elastase, tyrosinase, MMP-1), giúp bảo vệ da, giúp ngăn ngừa tình trạng chạy xệ da, mất đàn hồi và chống lão hóa da. Bột cũng có khả năng ứng dụng vào mỹ phẩm cho tác dụng tan máu bầm, giảm mức độ viêm do quá trình viêm gây ra mà không gây độc lên tế bào. Hàm lượng vitamin nhóm B có trong bột chiết xuất trùn quế có tác dụng chống lại tác hại của các gốc tự do, chống lão hóa da, hạn chế nám da và tàn nhang. Vitamin B2 còn có khả năng duy trì hàm lượng collagen, tham gia vào quá trình phát triển các mô tế bào, điều tiết chất nhờn ngăn ngừa mụn, giúp da căng mịn và sáng hơn. Bột còn có chứa một hàm lượng nhỏ chất béo, trong ngành công nghiệp mỹ phẩm chất béo có thể tạo thành một hàng rào bảo vệ trên da, bảo vệ da khỏi các chất có hại bên ngoài và giúp da luôn ngậm nước, mềm mại và giữ ẩm cho da.
Xử lý nguyên liệu trùn quế
Từ kết quả nghiên cứu đạt được, ThS. Nguyễn Thị Dung - chủ nhiệm nhiệm vụ kiến nghị Sở KH&CN TP.HCM hỗ trợ mở rộng hướng nghiên cứu tách chiết các phân đoạn peptide cụ thể của chiết xuất trùn quế nhằm tăng cường khả năng ứng dụng vào lĩnh vực y sinh, hoặc tiến hành thêm các thử nghiệm sâu hơn liên quan đến độc tính bán trường diễn, các thử nghiệm độc tính, kích ứng đến da người để so sánh với một số sản phẩm thương mại hiện hành, hướng tới việc phát triển sản phẩm có độ an toàn và hiệu quả cao. Kết quả của nhiệm vụ cũng có thể được kế thừa để phát triển một số mỹ phẩm chăm sóc da dạng bôi và dạng uống như kem bôi da giảm sưng viêm, chữa lành vết thương, kem trị sẹo, kem dưỡng ẩm, chống lão hóa, thực phẩm bổ sung làm đẹp da, chống lão hóa….
Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã hình thành nên dữ liệu khoa học về giá trị nguyên liệu trùn quế, thông tin các thông số đầu vào của nguyên liệu trùn và thông tin các thông số của sản phẩm bột chiết xuất trùn, kết quả đánh giá hoạt tính sinh học của bột chiết xuẩ trùn quế ứng dụng trong công nghiệp mỹ phẩm, góp phần nâng cao giá trị của trùn quế. Với việc làm chủ quy trình công nghệ tách chiết và thu nhận chiết xuất protein từ trùn quế, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM tạo được nguyên liệu tốt có giá trị ứng dụng cao cho ngành mỹ phẩm, thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực triển khai ứng dụng sản phẩm công nghệ cao.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trùn chứa hàm lượng phong phú các acid amin thiết yếu – thành phần cấu tạo nên protein, bao gồm các loại protein dạng sợi quan trọng trong cấu trúc da như keratin, collagen và elastin. Những protein này giữ vai trò then chốt trong việc duy trì độ săn chắc, đàn hồi và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường. Tình trạng da chảy xệ và xuất hiện nếp nhăn là hệ quả phổ biến của lão hóa và tổn thương do tia cực tím, chủ yếu bắt nguồn từ sự suy giảm collagen và các sợi đàn hồi trong mô liên kết. Các acid amin có khả năng hỗ trợ quá trình tự tái tạo của da bằng cách thúc đẩy tổng hợp protein, tái thiết cấu trúc biểu bì, đồng thời tăng cường khả năng chữa lành vết thương và phục hồi vùng da bị tổn thương. Bên cạnh vai trò tái tạo, acid amin còn là thành phần thiết yếu giúp duy trì độ ẩm của da. Chúng tham gia vào quá trình điều hòa nước nội bào thông qua tương tác với aquaporin – các kênh vận chuyển nước xuyên màng tế bào. Nhờ đó, acid amin góp phần kiểm soát sự phân bố và giữ nước tại các lớp biểu bì, ngăn ngừa tình trạng mất nước qua da, giúp da luôn mềm mại và đủ ẩm. Việc bổ sung acid amin thông qua mỹ phẩm bôi ngoài có thể cải thiện hàng rào giữ ẩm tự nhiên của da, đồng thời củng cố lớp màng bảo vệ bề mặt, giúp giảm tình trạng khô da, cải thiện độ đàn hồi và làm da trở nên căng mịn. Ngoài ra, acid amin còn có đặc tính chống oxy hóa, góp phần bảo vệ da khỏi tác động của các gốc tự do, ánh nắng mặt trời và ô nhiễm môi trường – những yếu tố làm suy yếu hàng rào bảo vệ da và thúc đẩy quá trình lão hóa. |
Thông tin liên hệ: Địa chỉ: 2374 Đỗ Mười, P.Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP.HCM Điện thoại: 028. 37153792 Website: www.hcmbiotech.com.vn |
Nguồn: https://dost.hochiminhcity.gov.vn/tin-tuc-khcn/chiet-xuat-bot-trun-que-lam-nguyen-lieu-my-pham/