Ánh sáng xanh gây mất ngủ như thế nào? Cách hạn chế ra sao?

Kinh doanh giáo dục
091 3815 684 - 0903837347
Ánh sáng xanh gây mất ngủ như thế nào? Cách hạn chế ra sao?
Ngày đăng: 24/06/2025 11:38 AM

Ánh sáng xanh gây mất ngủ kéo dài làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của người bệnh, bao gồm cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Vậy, ánh sáng xanh làm mất ngủ có nguy hiểm không? Mỗi người có thể chủ động hạn chế, phòng ngừa tình trạng ánh sáng xanh gây mất ngủ như thế nào?

ánh sáng xanh gây mất ngủ

Ánh sáng xanh là gì?

Ánh sáng xanh là một phần thuộc về quang phổ ánh sáng khả kiến mà mỗi người có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đây là loại ánh sáng có bước sóng ngắn trong ngưỡng từ 380 – 495 nanomet (nm).

So với các màu khác trong quang phổ nhìn thấy được, ánh sáng xanh sở hữu năng lượng photon cao hơn. Ánh sáng xanh bao gồm ánh sáng xanh lam (bước sóng 450 nm – 495 nm) và ánh sáng xanh tím (bước sóng 380 nm – 450 nm).

Nguồn gốc của ánh sáng xanh bao gồm nguồn nhân tạo và nguồn tự nhiên. Trong đó, ánh sáng xanh tự nhiên chủ yếu từ mặt trời và nguồn nhân tạo thường xuất phát từ các thiết bị điện tử thông dụng như tivi màn hình phẳng, điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng, đèn huỳnh quang, đèn LED…

Trên thực tế, lượng ánh sáng xanh từ nguồn nhân tạo thấp hơn so với nguồn tự nhiên. Tuy nhiên con người có xu hướng tiếp xúc với ánh sáng xanh nhân tạo ở khoảng cách gần và lâu dài, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tác động đến giấc ngủ.

các thiết bị điện tử là nguồn phát ánh sáng xanh
Các thiết bị điện tử là nguồn phát ánh sáng xanh tiếp xúc với con người hàng ngày

Ánh sáng xanh gây mất ngủ như thế nào?

Chúng ta đã biết ánh sáng xanh là gì, vậy ánh sáng xanh gây mất ngủ như thế nào?

1. Rối loạn nhịp sinh học

Tiếp xúc với ánh sáng xanh trong thời gian dài có thể tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn nhịp sinh học của cơ thể. Nhịp sinh học là hoạt động giúp cơ thể điều chỉnh các vấn đề hàng ngày như ăn uống, giấc ngủ, thức dậy, nghỉ ngơi và các quá trình khác. Nhịp sinh học hay đồng hồ sinh học được kiểm soát bởi nhân trên chéo thị (SCN) – nhóm tế bào thần kinh ở vùng dưới đồi trong não bộ.

Ánh sáng là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều chỉnh nhịp sinh học. Trước thời điểm đi ngủ khoảng 2 giờ, đồng hồ sinh học của cơ thể có xu hướng tăng tính nhạy cảm. Lúc này, tiếp xúc với ánh sáng mạnh (đặc biệt là ánh sáng xanh) có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm thay đổi chu kỳ giấc ngủ.

Tiếp xúc với ánh sáng xanh quá mức có thể làm kích hoạt tín hiệu tại các thụ thể ánh sáng ở võng mạc, dẫn đến thay đổi nhịp sinh học bình thường. Điều này có thể là tác nhân gây khó ngủ vào ban đêm và thức dậy quá sớm, không thể ngủ lại.

2. Ức chế sản xuất hormone melatonin

Trên thực tế, mọi loại ánh sáng đều tiềm ẩn nguy cơ gây ức chế hiệu quả sản xuất melatonin của cơ thể. Trong đó, quá trình ức chế hormone melatonin có xu hướng diễn ra mạnh mẽ hơn khi cơ thể tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm.(1)

Tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm có thể “đánh lừa” não bộ hiểu rằng trời chưa tối và chưa đến giờ đi ngủ. Khi đó, nhịp sinh học bình thường của cơ thể bị phá vỡ, khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc chìm vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, thức dậy quá sớm hoặc quá muộn…

ánh sáng xanh gây rối loạn nhịp sinh học
Ánh sáng xanh gây mất ngủ thông qua việc làm rối loạn nhịp sinh học, ức chế quá trình sản sinh hormone melatonin

Ai dễ bị mất ngủ do ánh sáng xanh?

Mọi đối tượng thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh (đặc biệt vào ban đêm) đều tiềm ẩn nguy cơ bị căng thẳng thần kinh, rối loạn nhịp sinh học và ức chế hiệu quả sản xuất melatonin, dẫn đến mất ngủ.

Các tác hại khác của ánh sáng xanh

Bên cạnh tình trạng ánh sáng xanh gây mất ngủ, người tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh còn có thể gặp những tác hại khác, bao gồm:

1. Thoái hóa điểm vàng

Thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng xanh là tác nhân khiến tế bào bên trong võng mạc vốn đã rất nhạy cảm của mắt bị tổn thương nghiêm trọng. Thế nên, không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, tiếp xúc với ánh sáng xanh còn tiềm ẩn nguy cơ gây thoái hóa điểm vàng ở mắt.

Thoái hóa điểm vàng ở mắt có thể tiềm ẩn nguy cơ gây mất thị lực vĩnh viễn (mù lòa) nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2. Hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số

Hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số là tình trạng khó chịu, giảm thị lực xảy ra do quá trình tiếp xúc trực tiếp với các loại thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng… Việc tiếp xúc với hình ảnh, ánh sáng (đặc biệt là ánh sáng xanh) từ các thiết bị điện tử với cường độ cao có thể gây áp lực buộc mắt tăng cường hoạt động, dẫn đến mỏi mắt và ảnh hưởng đến chức năng thị lực.

3. Đục thủy tinh thể

Khi tiếp xúc với ánh sáng xanh, thủy tinh thể của mắt sẽ hấp thụ loại ánh sáng này để bảo vệ võng mạc. Lâu dần, việc hấp thụ ánh sáng xanh của thủy tinh thể sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến đục thủy tinh thể.

4. Giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn

Mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng xanh trong thời gian dài có thể tiềm ẩn nguy cơ giảm hoặc mất hoàn toàn thị lực. Như đã đề cập, tiếp xúc với ánh sáng xanh trong thời gian dài là tác nhân làm tổn thương võng mạc gây thoái hóa điểm vàng và tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, đồng thời gây áp lực lớn cho mắt. Thế nên, mỗi người cần giới hạn thời gian tiếp xúc với nguồn phát ánh sáng xanh (phổ biến là các thiết bị điện tử) để hạn chế nguy cơ mù lòa.

5. Tăng nguy cơ trầm cảm

Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh gây mất ngủ, rối loạn nhịp sinh học, mỏi mắt, giảm thị lực, mệt mỏi… Tất cả những hệ lụy xảy ra do cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng xanh lâu dài có tác động làm suy giảm hệ miễn dịch, gây căng thẳng thần kinh và tiềm ẩn nguy cơ làm khởi phát các bệnh lý thần kinh nguy hiểm – trong đó có bệnh trầm cảm.

mất ngủ kéo dài từ ánh sáng xanh có thể dẫn đến trầm cảm
Mất ngủ kéo dài do tiếp xúc ánh sáng xanh thường xuyên có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến trầm cảm

6. Gây hại cho làn da

Tiếp xúc với ánh sáng xanh có liên quan đến việc đẩy nhanh tốc độ lão hóa và quá trình tăng sắc tố của da. Tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng xanh trong thời gian dài có thể gây tổn thương da do loại ánh sáng này có thể đi xuyên qua lớp biểu bì đến lớp mô hạ bì sâu bên trong da.(2)

7. Tăng nguy cơ béo phì

Các vấn đề xảy ra do tiếp xúc với ánh sáng xanh lâu dài như rối loạn nhịp sinh học, rối loạn giấc ngủ, giảm hiệu suất sản sinh hormone, mệt mỏi quá mức… có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Điều này có thể gây rối loạn chức năng ăn uống và quá trình trao đổi chất dinh dưỡng, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến thừa cân béo phì.

Cách hạn chế ánh sáng xanh làm mất ngủ

Dưới đây là các biện pháp góp phần hạn chế tình trạng ánh sáng xanh gây mất ngủ, bao gồm:

  • Thăm khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần mỗi năm để bác sĩ có thể chẩn đoán sớm các vấn đề tiềm ẩn và đưa ra hướng xử trí, lời khuyên phù hợp giúp bảo vệ sức khỏe tối ưu.
  • Thiết lập thời gian nghỉ ngơi hợp lý để mắt và cơ thể được thư giãn.
  • Tránh làm việc hoặc sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài, thỉnh thoảng thay đổi góc nhìn hoặc nhắm mắt để hỗ trợ mắt điều tiết tốt hơn.
  • Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ 2 giờ.
  • Khi sử dụng các thiết bị điện tử cần giữ khoảng cách phù hợp giữa màn hình và mắt.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đặc biệt tăng cường bổ sung thực phẩm giàu dưỡng chất cần thiết cho chức năng thị lực như vitamin A, nhóm B, C, E… dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Câu hỏi liên quan

Một số thắc mắc thường gặp có liên quan đến tình trạng ánh sáng xanh gây mất ngủ bao gồm:

1. Dùng điện thoại 30 phút trước ngủ có gây mất ngủ không?

Như đã đề cập, việc sử dụng điện thoại thông minh gần thời gian đi ngủ có thể dẫn đến tình trạng ánh sáng xanh gây mất ngủ. Việc sử dụng điện thoại thông minh vào ban đêm sẽ gây áp lực cho mắt, làm căng thẳng thần kinh khiến cơ thể khó chìm vào giấc ngủ hơn. Mỗi người không nên sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác vào ban đêm, đặc biệt là vào thời điểm chuẩn bị ngủ.

2. Tại sao thiết bị điện tử bật Night Mode nhưng vẫn mất ngủ?

Chế độ Night Mode sẽ giúp màn hình của các thiết bị điện tử giảm độ chói của ánh sáng. Tuy nhiên, việc sử dụng chế độ Night Mode vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ngủ, bởi:

  • Các tế bào hình nón trong mắt sẽ phát hiện ánh sáng, màu sắc và gửi tín hiệu sinh học đến não bộ để kích hoạt khả năng nhận biết ngày hay đêm.
  • Thế nên, sử dụng điện thoại ở chế độ Night Mode thì mắt vẫn nhận tín hiệu ánh sáng chuyển đến não, khiến não nhận biết đang ở thời điểm ban ngày, dẫn đến rối loạn nhịp sinh học và quá trình sản sinh hormone melatonin gây mất ngủ.

Tóm lại, tình trạng tiếp xúc ánh sáng xanh gây mất ngủ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, đặc biệt là người có thói quen thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử. Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe khác, mỗi người nên có biện pháp hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với loại ánh sáng này.

Nguồn: https://tamanhhospital.vn/anh-sang-xanh-gay-mat-ngu/

Thông tin viện

VIỆN NGHIÊN CỨU, ĐÀO TẠO, ỨNG DỤNG TÂM LÝ KINH DOANH VÀ GIÁO DỤC HỌC ĐƯỜNG
Địa chỉ: 235A Hoàng Sa, phường Tân Định, quận 1, Hồ Chí Minh
Mail: haidai5791@gmail.com
VIỆN TRƯỞNG: TS HOÀNG QUỐC ĐẠT0903 837 347
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 21/GP - TTĐT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 14 tháng 3 năm 2022.

Chịu trách nhiệm
2022 © VIEN NGHIEN CUU, DAO TAO, UNG DUNG TAM LY KINH DOANH VA GIAO DUC HOC DUONG. Design by Nina.vn
Zalo
Hotline