Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục

Kinh doanh giáo dục
091 3815 684 - 0903837347
Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục
Ngày đăng: 11/06/2024 03:14 PM
Đây là chủ đề toạ đàm khoa học do Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 7/6/2024, nhằm hướng tới thúc đẩy chiến lược phát triển bền vững trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, với sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation - Chương trình hỗ trợ phát triển của Chính phủ Australia.

PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì toạ đàm. Cùng tham gia toạ đàm có đại diện Chương trình Aus4Innovation và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực chính sách, pháp luật và giáo dục.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã có nhiều tham luận cung cấp bức tranh toàn cảnh về thực trạng phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, trí tuệ nhân tạo đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa ý tưởng học tập cá nhân hóa - điều chỉnh việc học, nội dung và tốc độ phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng học sinh. Trí tuệ nhân tạo cung cấp khả năng lấy dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, xác thực dữ liệu đó và phân tích dữ liệu đó bằng các công cụ như phân tích dự báo và học máy. Qua đó tiềm năng đầy hứa hẹn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục có thể được khai thác và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi giáo dục cho tất cả các bên liên quan - từ cá nhân học sinh đến các cấp quản lý cao hơn như Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh bên cạnh những giá trị cốt lõi về công nghệ đó, việc triển khai ứng dụngtrí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục cũng sẽ có thể đi kèm với rủi ro tiềm ẩn. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm tới các khía cạnh đạo đức và xã hội của trí tuệ nhân tạo như: Quyền riêng tư, bảo vệ và sử dụng dữ liệu người học; Ngăn chặn phân biệt đối xử dựa trên giới tính, chủng tộc, đặc điểm kinh tế - xã hội và sự khác biệt về trình độ năng lực; Ngăn chặn sự lây lan của các định kiến xã hội và văn hóa; Đảm bảo rằng tất cả người học - bất kể họ sống ở đâu - đều có quyền truy cập vào cơ hội tiếp cận bình đẳng tất cả các lợi ích mới nổi.

Trên cơ sở nhận diện các rủi ro đó, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh cho rằng cần có sự bàn thảo, hướng tới mục tiêu ưu tiên phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích của con người nói chung cũng như từng cá nhân riêng lẻ. Trong đó, tập trung vào các nguyên tắc cốt lõi như: cách tiếp cận hướng tới con người và nhân văn; tôn trọng quyền tự chủ và ý chí tự do của con người; tuân thủ pháp luật; không phân biệt đối xử; đánh giá rủi ro và tác động nhân đạo.

 

TS. Tôn Quang Cường, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về thực trạng phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Theo TS. Tôn Quang Cường, việc ứng dụng các công nghệ như thị giác máy tính, học máy, xử lí ngôn ngữ tự nhiên, robot thông minh, tự động và cảm biến, trí tuện nhân tạo tạo sinh trong quản lý, hỗ trợ giảng dạy và học tập như các nền tảng học tập, công nghệ ảo, hệ thống hỗ trợ thông minh, nội dung thông minh và quản lý thông minh. Quá trình ứng dụng này đã và đang và sẽ nhanh chóng mở rộng tới toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học, hay dạy nghề, đào tạo doanh nghiệp, giáo dục phi chính quy - giáo dục suốt đời, … Sự phổ biến của ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục và tầm quan trọng của lĩnh vực này đang đặt ra nhu cầu lớn về xác định, đánh giá những chuẩn mực đạo đức để tối đa hoá lợi ích và kiềm chế rủi ro mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra.

TS. Nguyễn Bích Thảo - Trường Đại học Luật, ĐHQGHN, người đồng chủ trì toạ đàm với Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quế Anh, đã phân tích kinh nghiệm quốc tế về phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục. Thông qua phân tích các báo cáo của UNESCO và hướng dẫn của các quốc gia về trí tuệ nhân tạo và giáo dục (như ở Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ...), tham luận nhận diện xu hướng phát triển và nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc đạo đức cốt lõi khi phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền con người, trang bị cho con người các giá trị và kỹ năng cần thiết cho phát triển bền vững và cộng tác hiệu quả giữa người và máy, thúc đẩy các giá trị nhân văn trong phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục (công bằng, minh bạch, trách nhiệm giải trình, không thiên vị, bảo vệ quyền riêng tư…), lấy con người làm trung tâm.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về thực trạng phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục cũng như đã phân tích, nhận diện xu thế và kinh nghiệm quốc tế về phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục.

 

 Giang Nam - VNU Media

Nguồn: https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N35102/Tri-tue-nhan-tao-co-trach-nhiem-trong-linh-vuc-giao-duc.htm 

Thông tin viện

VIỆN NGHIÊN CỨU, ĐÀO TẠO, ỨNG DỤNG TÂM LÝ KINH DOANH VÀ GIÁO DỤC HỌC ĐƯỜNG
Địa chỉ: 235A Hoàng Sa, phường Tân Định, quận 1, Hồ Chí Minh
Mail: haidai5791@gmail.com
VIỆN TRƯỞNG: TS HOÀNG QUỐC ĐẠT0903 837 347
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 21/GP - TTĐT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 14 tháng 3 năm 2022.

Chịu trách nhiệm
2022 © VIEN NGHIEN CUU, DAO TAO, UNG DUNG TAM LY KINH DOANH VA GIAO DUC HOC DUONG. Design by Nina.vn
Zalo
Hotline