Văn hóa trong nhà trường rất quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo học sinh. Ảnh minh họa.
Ở nước ta trong thời gian gần đây, cơ chế thị trường, sự hội nhập quốc tế có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển của nhà trường, song cũng có những tác động tiêu cực đến hoạt động đào tạo của nhà trường và văn hóa của nhà trường. Trên các phương tiện truyền thông đã luôn bàn tới một số biểu hiện của văn hóa nhà trường bị xuống cấp; chất lượg giáo dục trong các trường chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội; đạo đức của một số học sinh và nhà giáo xuống cấp ; đạo lý ”tôn sư trọng đạo” suy giảm. Bên cạnh đó, những hành vi lệch chuẩn của học sinh xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt như các hành vi chơi cờ bạc, nghiện hút, vi phạm nội quy học tập của nhà trường, bạo lực học đường …Một số nhà trường cơ sở vật chất bị xuống cấp, lớp học, bàn ghế, khu nhà vệ sinh, bếp ăn,…không đảm bảo làm giảm đi vẻ đẹp, mỹ quan của trường, điều kiện học tập của học sinh không đảm bảo,…
Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới giáo dục hiện nay như:…” Phương pháp giáo dục việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới giáo dục và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ổ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.
Vì vậy, văn hóa nhà trường đang là một trong những tâm điểm chú ý của dư luận, những bàn luận về vấn đề này ngày càng xuất hiện nhiều trên các diễn đàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, những bàn luận về cơ sở vật chất lạc hậu, xuống cấp của các trường học trên cả nước và đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa. Những bàn luận về văn hóa ứng xử trong nhà trường cũng rất đáng báo động, tình trạng thầy đánh trò, trò đánh thầy đã xẩy ra, khiến dư luận và xã hội lo ngại. Hành vi bạo lực học đường diễn biến phức tạp… Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa nhà trường đã trở thành nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách đó, chúng tôi đề xuất thực hiện các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh về sự cần thiết của việc xây dựng văn hóa nhà trường. Trước hết, hiệu trưởng các trường THCS chỉ đạo tiến hành các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ phục vụ, học sinh và phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng văn hoá nhà trường THCS trong hoạt động giáo dục và đào tạo học sinh, cũng như xây dựng xây dựng thương hiệu của nhà trường. Chỉ đạo tổ chức triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc xây dựng văn hóa trong nhà trường THCS. Tổ chức triển khai các chủ trưởng chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa trong các trường phổ thông nói chung và trường THCS nói riêng. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách trên nhà trường dề ra những tiêu chí cụ thể, giải pháp cụ thể để xây dựng văn hóa nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện tại của nhà trường. Theo đó, Hiệu trưởng kết họp với chi ủy, chi bộ, các đoàn thể trong nhà trường tổ chức truyên truyền, phổ biến các chủ trưởng, chính sách, các yêu cầu vwề xây dựng văn hóa trường THCS tới toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh của nhà trường. Thông qua hoạt động này làm cho các đối tượng hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của xây dựng văn hoá nhà trường trong việc giáo dục học sinh nói chung và trong việc hình thành nhân cách học sinh nói riêng.
Thông qua các họat động giảng dạy của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn truyền đạt đến học sinh những giá trị tinh thần và giá trị vật chất cần thiết của việc xây dựng văn hóa nhà trường. Tích họp nội dung xây dụng văn hóa nhà trường vào các môn học.
Thông qua các hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ phổ biến cho học sinh, giáo viên, cán bộ nhà trường những giá trị văn hóa mà nhà trường cần xây dựng và cần phát huy. Các hoạt động tham quan các cơ sở văn hóa, các trường THCS khác sẽ giúp lãnh đạo nhà trường, bản thân giáo viên và học sinh học tập được những kinh nghiệm xây dựng văn hóa nhà trường của các trường bạn, cũng như việc bảo lưu các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Việc nâng cao nhận thức cho giáo viên, cán bộ, học sinh, phụ huynh của nhà trường về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng văn hóa nhà trường còn được thực hiện qua một giải pháp quan trọng khác đó là hoạt động truyền thông của nhà trường. hoạt động truyền thông này được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt khác nhau như: thông qua các khẩu hiệu, pa-nô, áp phích…
Thứ hai, Tổ chức xây dựng và kế thừa các giá trị văn hóa vật chất của nhà trường. Đó là tăng cường chỉ đạo xây dựng và kế thừa các giá trị vật chất của nhà trường nhằm xây dựng mới những giá trị vật chất cần thiết của văn hóa nhà trường, đồng thời bảo lưu và phát huy những giá trị vật chất phù hợp của văn hóa nhà trường. Đây là điều kiện hết sức quan trọng trong việc xây dụng văn hóa nhà trường nói chung và đảm bảo cho hoạt động giáo dục của nhà trường được thực hiện hiệu quả nhất. Nếu thiếu những giá trị vật chất. Hay nói cách khác, thiếu các điều kiện vật chất thì hoạt động giáo dục của nhà trường không thể tiến hành được.
Từ kết quả khảo sát thực tiễn cho thấy, các giá trị vật chất (logo và biểu tượng; khẩu hiệu, phương châm làm việc; kiến trúc; trang phục của giáo viên và học sinh) của văn hóa các trường THCS được nghiên cứu ở mức độ tương đối phù họp. Điều đó có nghĩa là, các giá trị vật chất hiện có của các trường về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động giáo dục tại trường THCS. Tuy vậy, nó chưa đáp ứng được một cách tối ưu.
Về khẩu hiệu và phương châm làm việc của nhà trường, hiệu trưởng cần chú trọng và phát huy những mặt tích cực của gia trị văn hóa này. Đó là: các khẩu hiệu và phương châm làm việc đã phù hợp với quan điểm giáo dục của Đảng và Nhà nước. Tuy vậy, để cho hoạt động giáo dục của nhà trường đạt được chất lượng và hiệu quả cao hơn thì hiệu trưởng nhà trường cần xây dựng khẩu hiệu và phương châm làm việc phù hợp với xu thể hiện đại, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Tức là sự giáo dục trong nhà trường phải vươn tới các chuẩn của khu vực và quốc tế.
Về kiến thức của các trường THCS được nghiên cứu, kết quả nghiên cứu thực tiễn cho thấy kiến trúc của các trường THCS được nghiên cứu là thật phù hợp ở tính hiện đại, thẩm mỹ, tiện lợi, …Chính vì vậy, mà hoạt động quản lý của hiệu trưởng cần tăng cường sự quan tâm đến việc xây dựng kiến trúc của nhà trường. Cụ thể là: xây dựng kiến trúc tổng thể của nhà trường phải có tính mỹ thuật cao hơn, các phòng làm việc, các lớp học, các phòng thí nghiệm phải tiện lợi và hiện đại hơn cho người sử dụng. Lớp học còn chưa thật sự phù họp với hoạt động học bán trú của học sinh, đặc biệt là đối với học sinh lứa tuổi THCS. Bàn ghế còn chưa thật sự được thiết kế phù hợp với chiều cao, cân nặng của các em, các lớp học chưa đầy đủ ánh sáng để học sinh học tập. Nhiệt độ tại phòng học và phòng ngủ bán trú còn chưa đảm bảo (mùa hè quá nóng, mùa đông thì lạnh); các phòng thí nghiệm chưa đầy đủ dụng cụ, nhiều dụng cụ quá cũ, thiếu tính hiện đại; sân trường và cảnh quan xung quanh còn thiếu cây xanh, chưa thật sự có tính thẩm mỹ.
Ở một số trường được nghiên cứu, các phòng học đã bị xuống cấp do không có kinh phí để sửa chữa kịp thời. Chính vì vậy, hiệu trưởng nhà trường cần tăng cường chỉ đạo xã hội hoá giáo dục và xin các nguồn kinh phí từ Nhà nước để sửa chữa và cải tạo các vấn đề này. Trong thời gian hiện nay, trong các phương tiện thông tin đại chúng đã nói tới hiện tượng sập trần trường học ở một số trường, dẫn tới thương vong cho học sinh. Khu vệ sinh của các trường học còn chưa thật sự sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh, ở một số trường thì khu vệ sinh đã bị xuống cấp dẫn tới ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sực khỏe của học sinh, giáo viên và cán bộ nhà trường. Đây là vấn đề mà hiệu trưởng các trường cần quan tâm chỉ đạo để khắc phục.
Kết quả khảo sát thực tiễn còn cho thấy, trang phục của học sinh và giáo viên còn có những mặt chưa thật phù hợp như: tính nghiêm túc, tính thẩm mỹ, tính văn hóa chỉ ở mức độ tương đối phù hợp. Điều này cho thấy, hiệu trưởng nhà trường cần chỉ đạo để nâng cao tính thẩm mỹ, tính nghiêm túc và tính văn hóa của trang phục giáo viên và học sinh nhà trường.
Để thực hiện giải pháp này thì hiệu trưởng nhà trường cần chú ý một số vấn đề sau:
- Hiệu trưởng nhà trường cần tìm được các nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước để xây dựng các giá trị vật chất của nhà trường. Đây là nguồn kinh phí được đầu tư hàng năm của nhà nước cho các trường. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này cũng rất hạn chế do kinh tế của đất nước còn rất khó khăn.
- Nhà trường cần huy động các nguồn lực từ phía các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tại địa bàn tại địa phương. Các doanh nghiệp này có thể đầu tư được những nguồn kinh phí tương đối lớn cho các trường. Điều quan trọng ở đây là hiệu trưởng nhà trường nói riêng và lãnh đạo nhà trường nói chung phải thuyết phục được các doanh nghiệp để họ đầu tư cho nhà trường.
- Nhà trường và hiệu trưởng nhà trường có thể huy động và xin các nguồn tài trợ của Việt kiều, các tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho nhà trường trong việc xây dựng các giá trị vật chất. Điều này đòi hỏi nhà trường phải tăng cường các hoạt động phối hợp, giao lưu về hoạt động đào tạo, hoạt động ngoại khóa, văn hóa nhà trường với tổ chức quốc tế, giữa nhà trường với các nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội của nước ngoài.
- Lãnh đạo nhà trường, trước hết là hiệu trưởng kết hợp với hội cha mẹ học sinh để huy động sự đóng góp của các gia đình cho việc xây dựng các giá trị vật chất của nhà trường. Đặc biệt là việc bổ sung các trang thiết bị cho các phòng học để đảm bảo cho học sinh có điều kiện học tập tốt hơn . Điều quan trọng ở đây là việc huy động sự đóng góp của các gia đình phải dựa trên sự hoàn toàn tự nguyện chứ không phải dựa trên sự bắt buộc.
Về cách thức làm việc, trước hết nhà trường làm việc với Hội phụ huynh học sinh của nhà trường, sau đó Hội phụ huynh học sinh của nhà trường làm việc với hội phụ huynh học sinh của từng khối ,từng lớp. Hội phụ huynh khối lớp sẽ triển khai tới từng phụ huynh học sinh lớp minh.
- Nhà trường và hiệu trưởng có thể kết hợp với các đoàn thể xã hội trong và ngoài nhà trường như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Đoàn Thanh niên… để các tổ chức xã hội này tham gia đóng góp kinh phí cho việc xây dựng các giá trị văn hóa vật chất của nhà trường. Qua đó, hiệu trưởng chỉ đạo để chuẩn bị kinh phí phục vụ cho việc xây dụng các giá trị vật chất của nhà trường. Nguồn kinh phí này có thể lấy huy động từ hai hình thức sau: Thứ nhất, nguồn kinh phí do Nhà nước cấp; Thứ hai, nguồn kinh phí ủng hộ từ các tổ chức xã hội và phụ huynh học sinh.
Hiệu trưởng chỉ đạo xây dựng các phương án cụ thể sử dụng cơ sở vật chất làm sao cho hiệu quả nhất để xây dựng văn hóa nhà trường.
Hiệu trưởng phải làm cho mỗi cán bộ giáo viên trong nhà trường có ý thức sử dụng nguồn kinh phí đã có một cách hợp lý nhất, đúng quy định nhất để xây dựng văn hóa vật chất nhà trường. Trong quá trình xây dựng các giá trị văn hóa vật chất của nhà trường mỗi cán bộ giáo viên có ý thức đề xuất các sáng kiến để xây dụng các giá trị vật chất đáp ứng được các tiêu chí về tính hiệu quả, tính thẩm mỹ, tính hiện đại, tính phù hợp với đặc điểm riêng của nhà trường.
TS. Chuyên viên cao cấp
Hoàng Quốc Đạt
Viện Trưởng
Viện Nghiên cứu, Đào tạo ứng dụng tâm lý
kinh doanh và giáo dục học đường